Chú ý khi chọn mua laptop

  •  
  • 351

Khi chuẩn bị "sắm" cho mình một chiếc laptop, bạn nên quan tâm đến những thành phần cơ bản nhất của máy, như bộ vi xử lý, bộ nhớ, pin, kích thước màn hình và các cổng giao tiếp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn phải xác định được nhu cầu của mình là gì.

Chưa bao giờ người tiêu dùng lại có nhiều lựa chọn khi muốn sắm cho mình một chiếc laptop như hiện nay. Chỉ với khoảng 800 USD, bạn đã có thể sở hữu một chiếc laptop với cấu hình mạnh hơn trước đây một hai năm và có thể đảm đương được mọi công việc hàng ngày của bạn một cách nhanh chóng.

Khi đi mua máy, bạn sẽ được khuyên nên chú ý đến bộ vi xử lý, bộ nhớ, pin, kích thước màn hình và cổng giao tiếp của máy. Theo khảo sát của Số Hóa, tiến hành từ ngày 9-8 đến nay, 54,4% độc giả quan tâm nhiều nhất tới cấu hình máy, sau đó là giá cả (23,8%). Thế nhưng, không phải cứ chọn máy hình cao, màn hình rộng và bộ nhớ lớn là ổn. Vấn đề là bạn nên xem nhu cầu của mình là gì, bạn cần một CPU với tốc độ siêu mạnh hay một máy tính với ổ cứng khổng lồ để lưu trữ phim, ảnh, tài liệu.

Bộ vi xử lý (Processor)

Chọn mua laptop tại cửa hàngNếu bạn có điều kiện kinh tế thì hiện nay, một laptop với bộ vi xử lý Core Duo hay Core 2 Duo mạnh mẽ sẽ là sự lựa chọn đầu tiên. Nhưng khi túi tiền không rủng rỉnh thì một máy tính với bộ xử lý Intel Pentium M là một lựa chọn không tồi. Với bộ xử lý này sức mạnh của laptop đã được nâng lên một mức mới so với trước đây.

Theo thử nghiệm, laptop dùng bộ vi xử lý Pentium M thực thi công việc nhanh hơn đáng kể so với những máy dùng Pentium 4 Mobile. Hơn nữa, bộ xử lý Pentium M giúp tiết kiệm pin hơn. Hiện nay, phần lớn laptop trên thị trường đều được trang bị processor Pentium M hoặc cao hơn cho sản phẩm của mình. Nhưng nếu mua một laptop cũ, bạn có thế chọn loại VXL Pentium 4 Mobile với tốc độ 3.0 GHz. Tốc độ này cũng đảm bảo được các công việc thông thường được vận hành một cách trơn tru.

Bên cạnh đó, hiện cũng còn một số laptop sử dụng bộ vi xử lý VXL AMD Athlon Turion Turion 64 hay Intel ULV (ultra-low voltage) Pentium M. Loại này giúp nâng cao đáng kể thời gian sử dụng pin và rất thích hợp cho những người hay phải di chuyển.

Bộ vi xử lý VXL Intel Pentium 4 hay AMD Athlon 64 cũng tốt, nhưng processor loại này hay được trang bị cho máy để bàn. Nếu sử dụng, bạn có thể không tốn nhiều kinh phí nhưng bù lại, bạn phải chấp nhận máy tỏa nhiều nhiệt hơn bình thường.

Nếu không dư dả về tài chính thì VXL Intel Celeron M cũng được, tuy nhiên, tốc độ xử lý không bằng Pentium M và không bao gồm công nghệ Centrino Mobile của Intel.

Bộ nhớ RAM (System memory)

Đã qua rồi cái thời máy tính chỉ cắm một thanh RAM 128 MB. Nếu bạn không chỉ soạn thảo văn bản hay gửi e-mail và các công việc khác thì RAM 256 MB là sự lựa chọn tối thiểu. Với dung lượng này, hệ điều hành và những chương trình ứng dụng mới hoạt động trơn tru và hiệu quả.

Tuy nhiên, hầu hết laptop đời mới hiện có trên thị trường đều được trang bị ít nhất là RAM 512 MB. Nhưng nếu có điều kiện thì bạn nên chọn những máy có RAM 1 GB hay nâng cấp laptop của mình lên mức trên. Lúc đó, bạn sẽ thực sự cảm thấy sự khác biệt về tốc độ và khả năng xử lý các ứng dụng trên máy.

Kích thước màn hình (Screen)

Kích thước màn hình ngày càng lớn và đa số là kiểu màn wide (màn rộng). Với loại này, việc nhìn những bảng biểu hay xem video trên máy thật sự dễ dàng và thú vị.

Với chi phí dưới 1.000 USD, bạn có rất nhiều sự lựa chọn với độ rộng màn hình 14,1 inch và 15,4 inch. Hiện đã có loại lên tới 17 inch, tuy nhiên, kích thước máy hơi cồng kềnh. Những người luôn nay đây mai đó thì những laptop 17 inch không phải là một lựa chọn hợp lý, thay vào đó, nên chọn loại 12,1 hay 13,3 inch

Dung lượng ổ cứng (Hard drive)

Có thể bạn không cần một máy có dung lượng lớn, nhưng xu hướng hiện tại là ổ cứng của laptop ngày càng lớn. Nếu nhu cầu lưu trữ không lớn thì bạn có thể chọn loại 40 hay 60 GB, ngược lại, ổ cứng 100 GB và 120 GB sẽ hợp lý hơn.

Các cổng giao tiếp (Communications)

Đa số các laptop hiện nay đều được trang bị đầy đủ các cổng giao tiếp như USB, hồng ngoại, Bluetooth. Cổng PS/2 (cho chuột và bàn phím), hồng ngoại thì đang dần đi vào quá khứ, cùng theo đó là cổng song song (parallel port) và khe cắm card mở rộng.

Những model mới đã có thêm cổng DVI để kết nối với các thiết bị số khác như máy ảnh, máy nghe nhạc. Ngoài ra, mỗi máy thường có ít nhất 2 cổng USB 2.0, phổ biến là 4 hoặc 6 cổng. Nhiều cổng USB sẽ giúp bạn kết nối với nhiều thiết bị ngoại vi khác như chuột quang, bàn phìm rời, máy in… Nếu bạn có những thiết bị số như máy MP3 player hay camera, một laptop có cổng Fire Wire (IEEE1394) sẽ giúp việc kết nối được dễ dàng hơn.

Một phần rất quan trọng của laptop là khả năng kết nối không dây. Vào thời điểm hiện tại, các laptop tầm trung đều tích hợp sẵn các chuẩn giao tiếp không dây như 802.11 b/g hay Bluetooth.

Pin, card đồ họa, bàn phím, chuột và ổ quang…

Thời lượng pin trung bình của laptop khoảng 3,5 giờ, nhưng nếu công việc đòi hỏi phải di chuyển nhiều thì bạn nên chọn những model có pin tới 7 giờ.

Còn nếu bạn là một tín đồ của game, hay thích xem DVD, hãy chú ý đến card đồ họa. Những card như nVidia GeForce Go 6800 Ultra hay cao cấp sẽ nâng cao chất lượng hình ảnh cho máy. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý tới ổ DVD/RW hay ổ DVD/CD/RW để xem phim được tiện lợi.

Với bàn phím và chuột, bạn hãy bỏ thời gian để tự mình thử, nếu cảm thấy thoải mái thì hẵng quyết định mua.

Theo Số Hóa
  • 351