Chưa đủ sức sản xuất bàn phím

  •  
  • 248

Trước thực tế “loạn 12 sứ quân” của 40 bộ mã tiếng Việt và từ lời thách đố của chính những người trong cuộc để đạt được một sự chuyển đổi giữa các bộ mã với nhau, cách đây 10 năm, TS Phạm Hồng Quang, công ty Phần Mềm và Tự Động Hóa Thiết Kế (Cadpro) đã xây dựng hệ soạn thảo VNIJ. Từ đó đến nay, ông vẫn quyết tâm theo đuổi việc làm bàn phím tiếng Việt.

Từ năm 1996 – 1997, chúng tôi đã làm ra bộ gõ VNIJ, sau đó phát triển thành sản phẩm Cadpro Office. Ngoài các tính năng chung cần thiết, VNIJ khắc phục được khá nhiều nhược điểm của các hệ soạn thảo tiếng Việt khác, thậm chí còn thực hiện được việc chuyển đổi giữa các bộ mã với nhau ngay trên màn hình của hệ soạn thảo Winword, tự động chuyển đổi bàn phím tiếng Việt – nước ngoài bằng cách kiểm tra chính tả khi gõ. Chúng tôi cũng đã có nhiều nghiên cứu về việc sản xuất bàn phím tiếng Việt qua một loạt dự án: bàn phím nhập liệu tốc ký tiếng Việt, máy tính cầm tay Cadpro Vietnote... Các dự án đã đạt một loạt kết quả về phần mềm, thiết kế công nghệ, phần cứng. Tuy nhiên, khó khăn lại nằm ở vấn đề vỏ nhựa của sản phẩm. Khi đi đặt hàng các DN phần cứng để làm vỏ hộp nhựa đều không đạt yêu cầu. Còn nếu đặt hàng từ các công ty nước ngoài thì giá thành rất cao (khoảng 15 - 20 USD/bàn phím). Chúng tôi cũng đã thử mua bàn phím từ Trung Quốc và in tiếng Việt lên nhưng giá thành vẫn cao gấp đôi giá thị trường.

Theo tôi, việc xuất hiện và lưu thông trên thị trường “bàn phím tiếng Việt” không khó về mặt kỹ thuật, vấn đề chính là cần có sự định hướng, ủng hộ từ phía Nhà Nước - khách hàng lớn nhất trong nước và duy nhất trên thế giới về mặt hàng này.

Trong điều kiện yếu kém về năng lực công nghiệp (thiết kế khuôn mẫu - đúc nhựa, in tráng nhựa trên bàn phím) và thị trường trong nước cho bàn phím tiếng Việt là nhỏ, nhà nước nên hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Chẳng hạn, để sản xuất 10.000 bàn phím, chúng tôi phải mất nhiều tỷ đồng. Liệu có DN nào dám đầu tư số vốn lớn như vậy khi chưa có đầu ra? Nhưng nếu nhà nước hợp đồng mua 50.000 chiếc, tôi nghĩ rằng, nhiều DN của Việt Nam làm ngay. Các nước như Trung Quốc, Nga đều có bàn phím riêng với giá rất rẻ. Thiết nghĩ, bộ Bưu Chính Viễn Thông nên có sự hỗ trợ: ví dụ hỗ trợ phần chênh giá vỏ hộp sản xuất số lượng nhỏ, nhập ngoại; khuyến cáo máy tính trong nước nên sử dụng bàn phím tiếng Việt...

Ngoài ra, Nhà Nước cần định hướng thị trường, như chính sách ưu tiên mua bàn phím tiếng Việt chẳng hạn. Còn nếu cứ hỏi bao giờ làm được bàn phím tiếng Việt, tôi nghĩ chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm được nếu Nhà Nước không quan tâm và không có chính sách rõ ràng. Không chỉ 10 năm qua mà nhiều năm tới chúng ta vẫn không thể làm nổi bàn phím với ký tự tiếng Việt.

Thực tế, suốt 10 năm qua, chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi việc làm bàn phím tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi không hướng đến việc sản xuất bàn phím nguyên chiếc cho máy tính, bàn phím to với 101 ký tự và thêm dấu tiếng Việt bởi công nghiệp của Việt Nam không đủ sức thực hiện như đã nói ở trên. Chúng tôi đang nghĩ đến một quan điểm khác về bàn phím tiếng Việt. Nó chỉ có 16 phím, nhỏ gọn như lòng bàn tay và không sử dụng vỏ hộp nhựa như bàn phím thông thường. Hiện chúng tôi đang sản xuất và dự kiến từ 3- 6 tháng nữa sẽ cho ra thị trường loại máy tính cầm tay được hỗ trợ bàn phím tiếng Việt thông minh nói trên, có tính năng nghe nhạc MP3, định vị vệ tinh (GPS)...

TS. Phạm Hồng Quang

Theo PC World VN
  • 248