Trong hơn 5 năm qua, sự quan tâm bảo tồn cũng như các chế tài nhằm cứu vãn sự sinh tồn của loài hổ đã được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, hổ vẫn “thường trực” trong sách Đỏ.
Thế giới đã có 9 loài hổ nhưng chỉ còn 6 loài tồn tại là hổ Belgan, hổ Đông Dương, hổ Mã Lai, hổ Sumantra, hổ Siberia và hổ Hoa Nam, 3 loài đã tuyệt chủng là hổ Bali, hổ Java và hổ Caspia.
Chú hổ Siberi đang lang thang trên tuyết trong một sở thú ở Detroit (Mỹ).
Hổ Siberi – loài đang gặp nguy cơ tuyệt chủng cao nhất
Sống tập trung tại vùng Siberia, Nga nên những chú hổ vằn có tên là hổ Siberi hoang dã, chúng còn được mệnh danh là "Chúa tể của rừng Taiga". Ngoài ra hổ Siberi còn có những tên khác như hổ Amur, hổ Ussuri hay hổ Mãn Châu.
Hổ Siberi là động vật thuộc họ mèo lớn nhất thế giới, nặng trung bình khoảng 350kg, cao 1,7 mét với bộ lông dày và những đường vằn lớn màu vàng nhạt. Kỉ lục về cân nặng của chúng được ghi nhận là 390kg.
Hổ Siberi là một trong 10 loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất trên thế giới vì nạn săn bắn trái phép. Mùa đông lạnh ở Siberia kéo dài khiến nguồn thức ăn cạn kiệt đe dọa sự sống của loài này, không những thế việc những con hồ tìm đến gần nơi người dân sinh sống để kiếm ăn càng dễ bị mắc bẫy những kẻ săn trộm.
Án tử vì giết hổ
Số lượng hiện nay của loài trong môi trường hoang dã là khoảng 400, chủ yếu ở khu vực Siberi của Nga và khoảng 10–17 con sống ở phía đông bắc Trung Quốc. Chính vì mức độ khan hiếm này, pháp luật Trung Quốc có thể ban hành án tử đối với những ai giết hại cọp. Đầu năm nay, Kang Wannian ở Vân Nam Trung Quốc đã bị lãnh án 12 năm tù vì đã giết và ăn thịt một con hổ.
Để cứu vãn sự sinh tồn của hổ Siberi, con người đã đưa chúng về các khu bảo tồn để chăm sóc và cho sinh sản. Ở Trung Quốc, các nhà động vật học lần đầu đã thụ tinh nhân tạo thành công cho hổ vào năm 2007. Sau thành công này, các nhà khoa học dự định thành lập một ngân hàng gene về loài hổ Siberia trong vòng 3 năm để đảm bảo sự đa dạng về di truyền cho loài này.
Những chú hổ con dòng Sumatra ở sở thú Washington (Mỹ).
Sự trừng trị nghiêm khắc cùng với nỗ lực bảo tồn loài của Trung Quốc đã mang lại kết quả tốt đẹp. Cũng trong năm 2007, từ tháng 3 - tháng 6 đã có thêm 84 chú hổ con Siberi ra đời, phần nào đẩy lùi nguy cơ tuyệt chủng của loài.
Điều đáng tiếc mà chúng ta không thể can thiệp đó là những chú hổ con được sinh ra trong tình trạng giam cầm sẽ không bao giờ có thể thích ứng trở lại với môi trường hoang dã.
Loài hổ đang dần biến mất do sự thay đổi mạnh mẽ về môi trường sống và nạn săn bắt trái phép. Bất cứ loài hổ sinh trưởng ở vùng nào cũng bị săn lùng ráo riết.
Mỗi chúng ta không là nhà động vật học, nhưng vẫn có thể chung tay bảo vệ loài hổ bằng cách không tiêu thụ và trình báo về những trường hợp mua bán bất hợp pháp cao hổ hay lông hổ v.v…