Một lượng lớn khí methane, loại khí nhà kính mạnh là yếu tố chính góp phần gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, đã được vệ tinh phát hiện ở gần đường ống dẫn khí đốt phía đông bắc Trung Quốc.
Thông tin thu thập từ vệ tinh cho thấy, lượng khí thải khổng lồ xuất hiện ở tỉnh Liêu Ninh, gần đường ống của tập đoàn Mạng lưới Đường ống Dầu Khí Trung Quốc, nối từ trạm LNG Đại Liên đến Thẩm Dương trong ngày 20/10.
Chùm khí thải này xuất hiện ở gần đường ống của tập đoàn Mạng lưới Đường ống Dầu Khí Trung Quốc
Từ việc phân tích dữ liệu của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, công ty Kayrros SAS ước tính rằng khối khí thải được tạo ra với tốc độ phát thải 107 tấn methane một giờ.
Phát hiện được đưa ra trong một nỗ lực toàn cầu để hạn chế sự tăng tốc phát thải methane tại sự kiện COP26. Hơn 100 quốc gia ký cam kết hạn chế phát thải 30% khí nhà kính vào năm 2030. Nhưng một số quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ không tham vào hiệp ước này.
Nếu việc phát thải kéo dài một giờ với tốc độ như Kayrros ước tính, chùm khí methane sẽ có tác động khí hậu ngắn hạn tương đương với lượng phát thải hàng năm từ hơn 5.000 xe hơi ở Anh.
Tập đoàn Mạng lưới Đường ống Dầu Khí Trung Quốc, hay còn gọi là PipeChina, và Bộ Sinh thái Môi trường Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về phát hiện trên.
Trong tuần trước, khi được hỏi về lý do từ chối tham gia hiệp ước methane toàn cầu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói rằng Trung Quốc coi trọng việc kiểm soát khí nhà kính ngoài CO2. Quốc gia này sẵn sàng làm việc với các bên khác để thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong việc giảm thiểu methane.
Vào tháng 3, kế hoạch 5 năm gần đây nhất của Trung Quốc lần đầu tiên cam kết ngăn chặn methane, loại khí giữ nhiệt cao hơn khoảng 80 lần so với carbon dioxide trong 20 năm đầu tiên khi nó được thải ra.
Cắt giảm lượng khí thải theo Hiệp ước Khí methane Toàn cầu có lẽ là điều quan trọng nhất mà các chính phủ có thể làm để duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.