Elizabeth Norman, một bé gái "nghiện" khoa học vũ trụ, sẽ trở thành đứa trẻ đầu tiên trên thế giới được gửi vật lưu niệm vĩnh cửu từ Trái đất lên Mặt trăng vào cuối năm nay, mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.
Dailymail ngày 10/5 đưa tin, Elizabeth Norman (7 tuổi) đến từ thành phố Leicester (Anh), đã có được "ưu ái" này một cách rất tình cờ. Theo Dailymail, cô bé "nghiện" khoa học vũ trụ và đặc biệt ấn tượng với sự kiện robot tự hành Perseverance Rover của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hạ cánh trên Sao Hoả.
Với niềm đam mê vốn có, Elizabeth quyết định tự chế tạo một tên lửa mô hình và đặt là Vulcan Centaur - tên của một tên lửa chuẩn bị được NASA phóng lên Mặt trăng.
Elizabeth rất thích tìm hiểu về khoa học vũ trụ.
Kết quả là tên lửa mô hình bằng bìa cứng dài 2,1m mà Elizabeth phóng từ vườn nhà đã đạt tới độ cao hơn 10m so với mặt đất. Video ghi lại "vụ phóng tên lửa của nhà chế tạo nhí" đã "bằng một cách nào đó" được các nhà chế tạo Vulcan Centaur thực thụ, thuộc Tập đoàn sản xuất tên lửa United Launch Alliance (ULA), biết đến.
Họ đã liên hệ với gia đình Elizabeth, bày tỏ ấn tượng về video của cô bé, đồng thời đề nghị dành chỗ trong "chiếc hộp thời gian" để Elizabeth gửi một vật lưu niệm vĩnh cửu lên Mặt trăng. Và cô bé đã chọn gửi vào không gian một hình dán có tên riêng tài khoản mạng xã hội là "Astro Liz’s Lab".
Elizabeth và sticker lưu niệm.
Jennifer (34 tuổi), mẹ của Elizabeth chia sẻ: "Không ai trong chúng tôi tin rằng Elizabeth sẽ có vinh dự và may mắn được gửi vật lưu niệm lên Mặt trăng. Nhưng vì điều này sắp trở thành sự thật nên chúng tôi tin tưởng, trong tương lai cô bé sẽ có cơ hội đặt chân tới đó và tìm thấy hình dán của mình".
ULA đã được NASA uỷ nhiệm chế tạo tên lửa Vulcan Centaur, để phóng tàu vũ trụ không người lái Peregrine Lunar Lander lên Mặt trăng. Dự kiến, tên lửa Vulcan Centaur mang theo cả hộp thời gian và nhiều thiết bị khoa học khác sẽ rời bệ phóng tại Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ) vào cuối năm 2021.
Elizabeth bên mô hình tên lửa khổng lồ tự chế tạo. Được biết, Elizabeth còn được NASA mời trải nghiệm một chương trình ảo khám phá sao Hoả kéo dài 5 tuần tại Mỹ.
Được biết, dịch vụ "hộp thời gian" là dự án của Astrobiotics, một đối tác khác của NASA chuyên thiết kế robot đổ bộ. Cụ thể, Astrobiotics "bán giới hạn" không gian của hộp thời gian với giá khoảng 12.500 USD, nhằm mang tro cốt hay vật lưu niệm của những người có nhu cầu lên Mặt trăng, tạo ra "giá trị vĩnh cửu trên bầu trời".