Có bí mật khó nói, nên giấu hay "xì" ra?

  •   42
  • 227

Theo nghiên cứu mới đây, những bí mật khó nói của bạn được người nghe đón nhận một cách tích cực chứ không kinh khủng như bạn nghĩ.

Hầu hết mọi người đều lo sợ khi tiết lộ những bí mật không mấy tốt đẹp về bản thân. Chẳng hạn nếu kể ra một thói quen xấu hoặc một lỗi lầm trong quá khứ, họ sẽ bị người nghe phán xét, nói lời cay đắng. Hệ quả là phần đông mọi người không muốn tiết lộ những góc tối trong quá khứ của mình.

Bạn sẽ ít khi bị phán xét hơn tưởng tượng khi tiết lộ những bí mật của mình
Nghiên cứu mới cho thấy bạn sẽ ít khi bị phán xét hơn tưởng tượng khi tiết lộ những bí mật của mình - (Ảnh: GETTY IMAGES).

Phó giáo sư Amit Kumar từ Trường Kinh doanh McCombs, Đại học Texas (Mỹ) cho biết nỗi sợ kể những chuyện không tốt về mình đôi khi trở nên vô cùng nghiêm trọng khiến một số người sợ luôn cả việc chia sẻ điều tích cực hoặc trung tính.

Tuy nhiên, thực tế không hẳn màu xám như mọi người vẫn nghĩ. Phó giáo sư Amit Kumar và nhóm chuyên gia từ Đại học Texas (Mỹ) vừa thực hiện một nghiên cứu thú vị.

Trong 12 thí nghiệm liên tiếp, nhóm nghiên cứu yêu cầu các tình nguyện viên nghĩ về những bí mật tiêu cực của họ và tưởng tượng xem nếu tiết lộ chúng, họ sẽ bị người khác đánh giá như thế nào.

Sau đó, họ bắt đầu kể những bí mật này cho một nhóm người nghe. Các bí mật được kể từ những chuyện nhỏ cho tới lớn, như thừa nhận họ đã từng gian lận hồi còn đi học hay tự thú đã từng ngoại tình.

Kết quả thật sự khiến các tình nguyện viên ngạc nhiên khi trong hầu hết trường hợp, những người tiết lộ bí mật của mình thường được người nghe đánh giá tích cực hơn nhiều so với tưởng tượng trước đó của họ.

Cụ thể, những người nghe đã đánh giá cao sự chân thành của người kể hơn là phán xét về những chuyện tiêu cực mà họ từng làm trong quá khứ.

Phó giáo sư Amit Kumar cho biết với những bí mật rất "đen tối", phần lớn người nghe vẫn đón nhận với tâm lý tích cực đến bất ngờ.

Nhóm nghiên cứu lý giải khi chia sẻ những bí mật "xấu", người kể thường quan tâm nhiều hơn đến nội dung của bí mật ấy. Nhưng ngược lại, phần lớn người nghe để ý đến thái độ của người kể hơn là các chi tiết trong câu chuyện.

Vì vậy sau khi tiếp nhận một bí mật tiêu cực, người nghe sẽ đọng lại cách mà người kể nói ra câu chuyện của mình, hơn là nội dung. Điều đọng lại phổ biến ở người nghe là những cảm giác về sự tin tưởng, trung thực và đồng cảm với những tổn thương của người kể.

Từ kết quả nghiên cứu, phó giáo sư Amit Kumar khuyên thay vì giữ khư khư những bí mật tiêu cực trong lòng, bạn nên chủ động tìm người chia sẻ. Điều đó sẽ giúp bạn giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, từ đó cuộc sống bạn sẽ nhẹ nhàng hơn.

Cập nhật: 11/02/2024 Tuổi Trẻ
  • 42
  • 227