Có phải chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não?

  •   4,54
  • 11.556

Có thực là 90% các neuron trong cơ thể bạn đang đi nghỉ mát ở đâu đó?

Bạn đã từng nghe điều này nhiều lần, bởi cha mẹ bạn, thầy cô giáo hay một fan hâm mộ của chương trình Discovery: “Bạn mới chỉ dùng đến 10% bộ não của mình”. Thông tin này, bắt đầu lan truyền từ khoảng giữa những năm 1930, ngày nay vẫn tiếp tục được phổ biến rộng rãi. Đó rất có thể là động lực cho sự cố gắng của rất nhiều người, bởi nó đi kèm thông điệp, nếu bạn thực sự cố gắng và phát huy đúng khả năng của mình, thành công chắc chắn sẽ đến.

Có phải chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não?

Dù cho được phổ biến và chấp nhận rộng rãi, thông tin này đã được chứng minh là hoàn toàn vô căn cứ. Từ nhiều năm nay, các bác sĩ, nhà nghiên cứu và nhà khoa học đã kiên nhẫn giải thích cho bất cứ ai muốn lắng nghe, rằng không có bất cứ cơ sở khoa học nào về huyền thoại 10% này. Tương tự như vậy, rất nhiều ấn phẩm khoa học có uy tín đã ra sức bác bỏ nó, nhưng hiệu quả mang lại vẫn là rất thấp.

Trên một cuộc bình chọn dành cho giới không chuyên tại trang web Helium.com, có đến 52% số người tham gia tin rằng con người mới chỉ sử dụng 10% bộ não của mình, và chỉ 48% không đồng tình với nhận định này. Quan điểm sai lầm này trở nên phổ biến đến mức, tại một nghiên cứu công bố trên tờ Journal of Psychology năm 1998, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, các sinh viên chuyên ngành tâm thần học, những người đáng ra phải có hiểu biết tốt hơn giới không chuyên, cũng tin vào điều đó.

Có phải chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não?

“Mặc dù đã có rất nhiều bằng chứng chứng minh cho sự phi logic của nó, huyền thoại này vẫn từ chối đi vào dĩ vãng, chắc chắn là bởi sức mạnh tinh thần và sự động viên mà nó mang lại” – nhà thần kinh học Sergio Della Sala cho biết. “Nếu 90% còn lại của bộ não thực sự vẫn chưa được sử dụng, như nhiều người công nhận, việc khai thác tiềm năng của chúng sẽ là con đường dẫn tới thành đạt, giàu có và danh tiếng, và thậm chí, mở ra một sức mạnh kỳ diệu cho một kỷ nguyên mới".

Vậy đâu là sự thực về bộ não của bạn? Và các nhà khoa học nghiên cứu điều này thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Những nghiên cứu về bộ não ở thế kỷ 19

Làm cách nào bạn có thể đưa ra một ý tưởng quyến rũ và đáng tin cậy, nhưng lại sai lầm đến vậy? Hãy bắt đầu bằng cách bóp méo đi những phát biểu các các khoa học gia có uy tín.

Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ thứ 20, các bác sỹ khi nghiên cứu não bộ của động vật và bệnh nhân đột quỵ đã khám phá ra rằng, các phần các nhau trên bộ não điều khiển những hoạt động khác nhau. Vào năm 1870, hai nhà sinh lý học người Đức Gustav Fritsch và Eduard Hitzig đã sử dụng các kích thích điện lên một điểm trên bộ não chó và phát hiện thấy nó di chuyển chân trước bên phải. Khi họ phẫu thuật cắt bỏ vùng não đó trên hai chú chó khác, họ nhận thấy không những chúng không thể cử động được vùng chân đó, mà chúng cũng đánh mất luôn sự nhận thức của mình về nó.

Có phải chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não?

Trong suốt nửa thế kỷ sau đó, nhiều nhà khoa học đã nỗ lực trong rất nhiều thí nghiệm nhằm tạo ra một bản đồ chi phối của não bộ, nhưng họ chỉ có thể làm được điều này trên 10% của bộ não, bởi sự kích thích vào 90% còn lại đều không cho thấy sự co cơ ở bất cứ vùng nào trên cơ thể. Họ đặt tên cho 90% này là “vùng im lặng”, bởi chức năng của chúng chưa được biết rõ. Cho đến nay, chúng ta đã khám phá ra nhiều chức năng trong số đó, bao gồm tư duy, ngôn ngữ, phối hợp… Giới không chuyên, với sự thiếu hiểu biết cực kỳ tai hại (một bản chất mà họ vẫn thường chứng tỏ một cách xuất sắc) đã phiên dịch điều này thành thông điệp “90% bộ não của chúng ta vẫn đang nghỉ mát ở đâu đó và chờ đợi được sử dụng".

Sự trích dẫn nhầm lẫn này tiếp tục được củng cố bởi những phát ngôn của rất nhiều người nổi tiếng, tiên phong là nhà tâm thần học, triết học William James, rồi đến Lowell Thomas, một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, Dale Carnegie, tác giả của cuốn sách Đắc nhân tâm nổi tiếng, và thậm chí nhiều người tin rằng, chính cả Albert Einstein cũng đã từng thốt ra điều này. Đặc điểm chung của họ: họ đều là người rất giỏi trong những lĩnh vực không-phải-thần-kinh-học.

Có phải chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não?

Hoạt động của bộ não

Nếu bạn đọc đến đây và vẫn tin rằng, 90% trong số 100 tỷ (thậm chí nhiều hơn thế) neuron của chúng ta đang bị quẳng vào sọt rác, bạn nên biết rằng các nhà nghiên cứu, sở hữu những hiểu biết căn bản và rất nhiều công cụ thăm dò chức năng của hệ thần kinh, đã khám phá ra rằng không có vùng nào trên não bộ là im lặng hoàn toàn. “Chúng ta sử dụng tất cả bộ não, và phần lớn não bộ hoạt động với thời lượng 24/24” – Barry Gordon, nhà thần kinh học tại đại học John Hopkins cho biết.

Nhận định này dường như sẽ gây shock với nhiều người, nhưng nó hoàn toàn hợp lý. Như nhà khoa học Christopher Wanjek đã chỉ ra trong cuốn sách “Bad Medicine” xuất bản vào năm 2005 của ông, nếu loài người chỉ cần đến 10% não bộ để vận hành, quá trình tiến hóa chắc chắn sẽ tìm cách đào thải 90% “vô dụng” còn lại. Lý do rất đơn giản: bộ não tuy chỉ chiếm 5% cân nặng của cơ thể, nhưng nó tiêu tốn đến 20% tổng số năng lượng. Một bộ máy đòi hỏi tiêu tốn một nguồn năng lượng vô cùng lớn, nhưng lại chỉ vận hành với hiệu suất 10%? Đây là một điều không thể chấp nhận được với chọn lọc tự nhiên.

Có phải chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não?

Thêm vào đó, nếu loài người chỉ cần đến 10% não bộ để có được sự vận hành bình thường, điều này sẽ gần như đồng nghĩa với việc chúng ta trở nên hoàn toàn miễn nhiễm với các bệnh lý thần kinh. Nhưng thực tế là, như nhà khoa học Barry J. Beyerstein đã chỉ ra trong bài báo của ông trên tờ Scientific American, việc bất hoạt 90% bộ não, bất kể là 90% nào, sẽ lập tức dẫn đến tình trạng hôn mê.

Đúng là các phần khác nhau của não bộ chi phối những chức năng khác nhau, tại những thời điểm khác nhau, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng có được khoảng thời gian nghỉ ngơi dài hạn. Nhiều phương pháp thăm dò chức năng đã chỉ ra rằng, phần lớn não bộ của chúng ta đều trải qua một quá trình làm việc nặng nhọc gần như liên tục trong suốt 24h, và thực tế, một vài vùng trong số đó không hề có khái niệm nghỉ ngơi. Ngay cả khi chúng ta ngủ, thùy trán – với chức năng kiểm soát quá trình tư duy cao cấp và nhận thức bản thân, vùng cảm nhận thân thể vẫn tiếp tục hoạt động.

Các công cụ khám phá bộ não

Không như những bậc tiền bối của mình vào thế kỷ 19, những người chỉ có cách duy nhất là kích điện vào bộ não và quan sát xem chuyện gì xảy ra, các nhà khoa học giờ đây đã có trong tay một kho trang bị giúp họ tìm hiểu sự thực về bộ não.

Có phải chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não?

Một trong số đó là phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (Functional magnetic resonance imaging – fMRI). Về bản chất, đây là một cục nam châm tạo ra từ trường cực mạnh liên kết với một chiếc máy tính tạo ra hàng loạt các hình ảnh cho phép quan sát sự hoạt động của bộ não. Một cỗ máy fMRI không những cung cấp những hình ảnh chi tiết về cấu trúc giải phẫu của não bộ, nó còn cho phép xác định chính xác phần nào của não bộ đang thực hiện chức năng gì – suy nghĩ, trò chuyện, cử động hay nhận cảm.

Một cách khác để nhìn vào bộ não là phương pháp chụp cộng hưởng từ (Computerize Tomography Scan – CT scan). Chiếc máy này sẽ tạo ra hàng loạt phim chụp Xquang và ghép chúng lại với nhau để cho ra một hình ảnh cắt ngang qua bộ não. Từ phương pháp này, PET scan (positron emission tomography – chụp positron cắt lớp) ra đời. Với phương pháp này, một lượng nhỏ chất phóng xạ sẽ được đưa vào cơ thể, qua đường tiêm hoặc uống. Lượng chất phóng xạ này sẽ tích lũy lại trên não và phát ra các tia gamma, được “tóm lấy” bởi nhiều loại camera khác nhau. PET scan được sử dụng nhiều vào việc xác định các bất thường trên bộ não và nghiên cứu xem phần nào của não bộ đang hoạt động mạnh nhất khi thực hiện một chức năng nào đó.

Có phải chúng ta chỉ sử dụng 10% bộ não?

Những phương pháp này cũng được áp dụng rất rộng rãi trong phẫu thuật thần kinh, nhằm mục đích xác định chính xác khu vực cần phẫu thuật, từ đó giảm thiểu tối đa các tổn thương không cần thiết đến bệnh nhân.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,54
  • 11.556