Con cá phát "ánh xanh ma quái"

  •  
  • 3.101

Những con cá ngựa vằn ở Anh phát ánh sáng màu xanh trông rất ma quái, nhưng thực ra chúng chỉ bị biến đổi gene để phục vụ nghiên cứu y học.

>>> Cá bố mang thai rồi diệt con

Một nhóm chuyên gia của Đại học Exeter tại Anh gây đột biến gene của cá ngựa vằn để một số bộ phận của chúng phát ánh sáng huỳnh quang. Họ sử dụng những con cá này trong nghiên cứu y học, National Geographic đưa tin.

Ánh sáng màu xanh lục phát ra từ cơ thể con cá ngựa vằn.
Ánh sáng màu xanh lục phát ra từ cơ thể con cá ngựa vằn. (Ảnh: National Geographic)

Hợp chất gây rối loạn nội tiết là thành phần của rất nhiều sản phẩm công nghiệp - bao gồm nhựa và thuốc tránh thai của phụ nữ. Chúng có thể “bắt chước” cơ chế hoạt động của các hoóc môn dục tính khiến hàng loạt vấn đề tiêu cực về sinh sản phát sinh ở cả người và động vật. Nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh hợp chất gây rối loạn nội tiết có thể làm thay đổi giới tính của cá, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tinh hoàn ở người.

Nhưng giới khoa học đối mặt với khó khăn lớn trong quá trình theo dõi hoạt động của hợp chất gây rối loạn nội tiết trong cơ thể động vật. Đó là lý do thôi thúc nhóm nghiên cứu của Đại học Exeter tại Anh tạo ra cá phát sáng. Những bộ phận phát quang là những nơi mà hợp chất gây rối loạn nội tiết có thể tới. Nhờ hiện tượng phát sáng trong cơ thể cá ngựa vằn, các nhà khoa học có thể theo dõi hoạt động của hợp chất gây rối loạn nội tiết trong cơ thể chúng.

Charles Tyler, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, cơ thể những con cá biến đổi gene sản xuất một số protein. Những protein này không tác động tới hợp chất gây rối loạn nội tiết, song lại phát ra ánh sáng màu xanh lục. Nhờ thứ ánh sáng đó mà các nhà khoa học có thể quan sát cá dưới kính hiển vi để xác định những mô bị chất gây rối loạn nội tiết tấn công.

Hiện nay công nghệ gây biến đổi gene để cơ thể phát sáng mới chỉ được áp dụng với những con cá có tuổi đời ngắn hơn 6 ngày vì da của chúng chưa sản xuất sắc tố, thứ có khả năng cản quang.

Theo VNE, Nationalgeographic
  • 3.101