Đang dõi theo một ngôi sao trong chòm Kỳ Lân, các nhà khoa học đã bị “lóa mắt” bởi ánh sáng bất ngờ tăng lên đến 20 lần do sự xuất hiện của các vật thể độc đáo.
Theo Sci-News, một nhóm khoa học gia quốc tế đang theo dõi ngôi sao mang tên V960 Mon thuộc chòm Kỳ Lân, cách Trái đất 5.000 năm ánh sáng thì gặp phải sự kiện "lóa mắt" nói trên vào năm 2014.
Tin rằng mình đã nắm bắt được thứ gì lạ, họ huy động sức mạnh của các đài thiên văn hàng đầu thế giới tiếp tục theo dõi vật thể trong nhiều năm để cố tìm ra câu trả lời.
Thứ kỳ quái, hỗn loạn mà 2 đài thiên văn quan sát được chính là các hành tinh đang trong khoảnh khắc chào đời - (Ảnh: ESO/ALMA).
Sử dụng công cụ SPHERE đặt trên Kính viễn vọng Very Large của Đài thiên văn Nam Âu (ESO), họ phát hiện ra quanh V960 Mon đang có sự tập hợp bí ẩn của các nhánh xoắn ốc phức tạp, kéo dài trên khoảng cách lớn hơn cả đường kính Hệ Mặt trời.
"Cầu cứu" thêm ALMA, mảng kính viễn vọng vô tuyến mạnh nhất thế giới đặt tại sa mạc Atacama của Chile, họ nhận thấy các nhánh xoắn ốc này đang trong quá trình phân mảnh dẫn đến sự hình thành các khối lạ.
Chỉ có một đáp án duy nhất trùng khớp với tất cả dữ kiện. Và nó là khoảnh khắc "ngàn năm có một" trong quan sát thiên văn.
"Khám phá này thực sự hấp dẫn vì nó đánh dấu lần phát hiện đầu tiên về các khối xung quanh một ngôi sao trẻ có khả năng hình thành các hành tinh khổng lồ" - Phó giáo sư Alice Zurlo từ Trường Đại học Diego Portales (Chile) nói.
Tác giả chính Philipp Weber, cũng từ Trường Đại học Diego Portales, cho biết đó còn là quan sát đầu tiên về sự bất ổn định hấp dẫn ở quy mô hành tinh.
Điều đó có nghĩa vật thể mà các nhà thiên văn đang thấy chính tiền hành tinh đang ở đúng ngay khoảnh khắc chào đời: Vật chất quanh ngôi sao trẻ đến một lúc nào đó sẽ co lại và sụp đổ; từ đó, một hành tinh dần được bồi tụ.
"Kích thước các khối lờ mờ vẫn đang dần tụ lại này cho thấy các hành tinh tương lai phải lớn cỡ sao Mộc - hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt trời" - bài công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters nhận định.