Công chúng sẽ được chiêm ngưỡng gì tại lễ đăng quang Vua Charles III?

  •  
  • 344

Lễ đăng quang được đông đảo công chúng đón đợi của Vua Charles III sẽ diễn ra vào ngày 6/5/2023 tại Tu viện Westminster. Charles III sẽ là quốc vương thứ 40 được đăng quang tại Tu viện.

Người đầu tiên đăng quang tại Tu viện Westminster là William I của Anh (thường được gọi là William Người Chinh phạt), vào Giáng sinh năm 1066. Lần gần đây nhất là Nữ hoàng Elizabeth II đăng quang vào ngày 2 tháng 6 năm 1953. Gia tộc Windsors trị vì Anh là hoàng gia duy nhất ở châu Âu vẫn tổ chức các lễ đăng quang.

Mặc dù theo luật, Thái tử Charles (tên đầy đủ là Charles Philip Arthur George) lập tức trở thành vua sau cái chết của mẹ mình, Nữ hoàng Elizabeth II. Tuy nhiên, theo trang web của hoàng gia Anh, lễ đăng quang mới là "nghi lễ đánh dấu sự tấn phong chính thức của một quốc vương với quyền lực của một nhà vua". "Lễ đăng quang sẽ phản ánh vai trò của quốc vương trong thời đại ngày nay và hướng tới tương lai, đồng thời có nguồn gốc từ truyền thống lâu đời", Cung điện Buckingham cho biết trong một tuyên bố hồi đầu năm 2023.

Tu viện Westminster
Tu viện Westminster - nơi Vua Charles III sẽ trở thành quốc vương thứ 40 được đăng quang tại đây.

5 nghi thức chính trong lễ đăng quang

Giống như mọi lễ đăng quang kể từ năm 1066, sự kiện sẽ được tổ chức tại Tu viện Westminster và được tiến hành bởi Tổng Giám mục Canterbury – chức sắc tôn giáo cao cấp nhất của Giáo hội Anh. Cung điện Buckingham mô tả đây là "một buổi lễ tôn giáo long trọng" và sẽ thừa nhận vai trò của nhà vua với cả tư cách là nguyên thủ quốc gia cũng như là người đứng đầu Giáo hội Anh.

Buổi lễ cũng được dự kiến sẽ đề cập đến nhiều cộng đồng và tín ngưỡng khác nhau, phù hợp với mong muốn của Nhà vua là phản ánh sự đa dạng sắc tộc và tín ngưỡng của nước Anh hiện đại. Vua Charles III vẫn sẽ tuyên thệ là "Người bảo vệ Đức tin" theo truyền thống, nhưng lời thề nhiều khả năng sẽ được gắn thêm một vài từ ngữ khác để xác nhận rằng Nhà vua sẽ bảo vệ quyền lợi của tất cả các tôn giáo.

Vua Charles cũng mong muốn có một quần chúng đa dạng về văn hóa và ngành nghề chứng kiến sự kiện lịch sử này, và sẽ mời các đại diện từ nhiều tổ chức từ thiện và từ khắp mảng tình nguyện nói chung.

Vua Charles III và Vương hậu Camilla
Vua Charles III và Vương hậu Camilla tại Đức hôm 29/3 trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị quốc vương. (Ảnh: Reuters).

Vợ của Charles, Vương hậu Camilla, cũng sẽ được trao vương miện. "Buổi lễ sẽ chứng kiến sự đăng quang của Vua Charles III cùng với Vương hậu", theo một phát ngôn của Cung điện.

Mặc dù Vua Charles và ủy ban cho buổi lễ đã có kế hoạch điều chỉnh buổi lễ cho phù hợp với một nước Anh hiện đại nhưng một số nội dung của nghi lễ vẫn sẽ được bảo toàn nguyên vẹn từ hang tram năm trước. Alastair Bruce, một trong những chuyên gia hàng đầu về Hoàng gia Anh và lễ đăng quang, cho biết: Có 5 giai đoạn chính của nghi lễ: sự công nhận, lời thề đăng quang, việc xức dầu, việc tấn phong (bao gồm cả trao vương miện) và tôn vinh (the recognition, the coronation oath, the anointing, the investiture, the homage).

Tại lễ đăng quang, Nhà vua sẽ được hỏi để trả lời về việc liệu ông có cai trị Vương quốc Anh và các quốc gia khác trong Khối thịnh vượng chung bằng luật pháp và công lý hay không và liệu ông có thể duy trì Cơ đốc giáo trong Vương quốc hay không. Sau đó, Nhà vua sẽ ngồi trên ngai vàng, tay cầm vương trượng và cây gậy của quân vương (the sovereign's sceptre and rod), để đại diện cho quyền kiểm soát của ông đối với quốc gia và quả cầu của quân vương (the sovereign's orb), để đại diện cho thế giới Cơ đốc giáo.

Ngai vàng Đăng quang
Ngai vàng Đăng quang, một trong những món nội thất quý giá và nổi tiếng nhất thế giới với tuổi đời khoảng 700 năm.

Sau khi được Tổng Giám Mục xức dầu, ban phép lành và thánh hiến, vương miện của Thánh Edward sẽ được đội lên đầu Charles, chính thức tôn phong ông là Vua Charles III.

Ngai vàng Đăng quang, một trong những món nội thất quý giá và nổi tiếng nhất thế giới với tuổi đời khoảng 700 năm. Đây là chiếc ngai vàng cổ dùng trong các lễ đăng quang ở Anh nhiều thế kỷ qua, trong đó có những lần lên ngôi của Vua Henry VIII, Vua Charles I, Nữ hoàng Victoria hay Nữ hoàng Elizabeth II.

Những sự kiện nào sẽ đi kèm với lễ đăng quang?

Lễ đăng quang sẽ được truyền hình cho các khán giả tại Anh và toàn thế giới theo dõi. Trước đó, lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II quá cố là lễ đăng quang đầu tiên được truyền hình trực tiếp.

Nhà vua và Vương hậu Camilla sẽ di chuyển từ Cung điện Buckingham đến Tu viện Westminster trên cỗ xe ngựa Diamond Jubilee, được chế tạo nhân kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth và sử dụng lần đầu vào năm 2014. Nội thất của cỗ xe gồm có các mẫu đồ vật được lấy từ những tòa nhà và cung điện lịch sử, trên đỉnh đặt một chiếc vương miện mạ vàng.

Theo truyền thống, phần thiêng liêng nhất của buổi lễ – khi Tổng giám mục Canterbury xức dầu cho Nhà vua lên tay, ngực và đầu - sẽ bị che khỏi ánh nhìn của công chúng bằng một chiếc mái che. Theo các nguồn tin thì một mái che xuyên thấu đang được làm để công chúng lần đầu được chiêm ngưỡng nghi lễ linh thiêng này.

Nữ hoàng Elizabeth II trong lễ đăng quang tại Tu viện Westminster năm 1953
Nữ hoàng Elizabeth II trong lễ đăng quang tại Tu viện Westminster, Luân Đôn, ngày 2 tháng 6 năm 1953.

Sau lễ đăng quang, Vua Charles và Vương hậu Camilla sẽ diễu hành qua đường phố London. Mặc dù quãng đường dài hơn so với hành trình đến Tu viện Westminster, quãng đường này chỉ bằng 1/3 hành trình dài 7,2 km mà Nữ hoàng Elizabeth đã thực hiện 70 năm trước, khi hàng triệu người tập trung trên đường phố để dõi theo bà.

Trong lễ diễu hành, Quốc vương và Vương hậu Anh sẽ đi trên cỗ xe ngựa Gold State Coach 260 năm tuổi. Nó đã được sử dụng trong mọi lễ đăng quang kể từ thời Vua William IV năm 1831. Cỗ xe dài 7 m, cao 3,6 m, nặng 4 tấn, cần 8 con ngựa kéo.

Lễ đăng quang diễn ra vào Thứ Bảy, ngày 6/5/2023 sẽ là tâm điểm của một cuối tuần với nhiều sự kiện. Một buổi hòa nhạc tại Lâu đài Windsor cũng như các bữa trưa thịnh soạn của người dân Anh cùng gia đình và bạn bè diễn ra vào ngày Chủ nhật. Người dân Anh cũng sẽ tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương vào Thứ Hai, dự kiến sẽ là một ngày nghỉ lễ ở Vương quốc Anh.

 Cỗ xe ngựa Gold State Coach 260 năm tuổi.
Cỗ xe ngựa Gold State Coach 260 năm tuổi. Nó đã được sử dụng trong mọi lễ đăng quang kể từ thời Vua William IV năm 1831. Cỗ xe dài 7 m, cao 3,6 m, nặng 4 tấn, cần 8 con ngựa kéo. Sau lễ đăng quang, Vua Charles và Vương hậu Camilla sẽ diễu hành qua đường phố London trên cỗ xe ngựa này.

"Nhà vua và Vương hậu hy vọng Lễ Đăng quang sẽ mang đến cơ hội để được dành thời gian và được ăn mừng cùng bạn bè, gia đình và cộng đồng trên khắp Vương quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung", Cung điện Buckingham thông báo trong một tuyên bố.

Cập nhật: 06/05/2023 PNVN
  • 344