Các kỹ sư Trung Quốc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để rút ngắn thời gian thiết kế và tăng hiệu quả xây dựng trạm vũ trụ trên quỹ đạo.
Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc đã hoàn thành cấu trúc hình chữ T bao gồm module lõi Thiên Hòa và hai module thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên. Công nghệ kỹ thuật số giúp đẩy mạnh quá trình thiết kế, sản xuất và thử nghiệm trong suốt thời gian xây dựng trạm vũ trụ nặng gần 100 tấn, CGTN hôm 4/1 đưa tin.
Mô phỏng trạm Thiên Cung bay trên quỹ đạo. (Ảnh: CFP).
"Công nghệ kỹ thuật số đã cải tiến hiệu quả và chất lượng phát triển trạm vũ trụ Trung Quốc, khiến chu kỳ phát triển rút ngắn 30%", Lin Xiaoqing, kỹ sư trưởng phụ trách kỹ thuật số và công nghệ sản xuất thông minh ở Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc, cho biết.
Việc phát triển trạm vũ trụ sử dụng mô hình điều khiển tự động (CNC) không gian 3 chiều. Đây là một nguồn dữ liệu thống nhất chứa thông tin thiết kế, sản xuất, thử nghiệm và lắp ráp. Theo Lin, mô hình này trực quan hơn, cắt giảm đáng kể thời gian vẽ và chuẩn bị, đặc biệt đối với phát triển sản phẩm có cấu trúc phức tạp. Thông qua CNC, hiệu quả phát triển tăng hơn 50%. Mô hình 3D cũng hợp nhất nguồn dữ liệu của quá trình phát triển, góp phần kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Tổ hợp trạm vũ trụ vô cùng phức tạp, liên quan tới nhiều ngành và hệ thống như năng lượng, môi trường, điều khiển, thông tin và lực đẩy. Nếu một thiết kế cần điều chỉnh hoặc thay đổi, nó sẽ ảnh hưởng tới các hệ thống xung quanh. Đổi chỗ module là bước quan trọng trong giai đoạn lắp ráp và xây dựng cuối cùng của trạm vũ trụ, theo Wang Xiang, tổng tư lệnh hệ thống Trạm vũ trụ Trung Quốc.
"Mô hình động lực các module của trạm vũ trụ đến từ nhiều phòng ban khác nhau. Ví dụ, chúng tôi có ban phụ trách thiết kế cấu trúc và ban khác chịu trách nhiệm phát triển phần cánh. Việc đổi chỗ không chỉ thay đổi tư thế của trạm vũ trụ mà còn thay đổi cách phần cánh được chiếu sáng bởi Mặt Trời, từ đó ảnh hưởng tới sản xuất và cung cấp điện", Wang giải thích.
Từ khi bắt đầu quá trình thiết kế trạm vũ trụ, một nền tảng cộng tác thiết kế kỹ thuật số đã được thiết lập, cho phép thực hiện mô phỏng tổng quát liên ngành. Với công nghệ kỹ thuật số mô hình 3D, những phòng ban khác nhau được liên kết với nhau. Thông qua sự liên kết này, họ có thể đưa ra phản hồi kịp thời và đảm bảo toàn bộ quá trình truyền và trao đổi thông tin diễn ra chính xác và nhanh chóng, Wang cho biết.
Hiện nay, "trạm vũ trụ kỹ thuật số", được sử dụng cho thiết kế và xác minh kế hoạch bay trong các nhiệm vụ, cũng như theo dõi dữ liệu thời gian thực và dự đoán tình trạng trên quỹ đạo của trạm Thiên Cung.