Một loài khủng long ăn thịt từng sinh sống ở Madagascar cách đây 70 triệu năm cứ mỗi 2 tháng lại phải thay toàn bộ hàm răng của mình vì nhai quá nhiều thịt.
Theo CNN, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy loài khủng long Majungasaurus cứ mỗi 2 tháng lại tự thay toàn bộ hàm răng của chúng. Tốc độ thay răng này nhanh hơn các loài khủng long ăn thịt khác từ 2 đến 13 lần.
"Điều này có nghĩa là răng của chúng mòn đi rất nhanh, với nguyên nhân có thể là do chúng nhai rất nhiều xương", ông Michael D'Emic, tác giả nghiên cứu, giải thích. Ông là trợ lý giáo sư ngành sinh học tại Đại học Adelphi ở New York.
"Có các bằng chứng độc lập cho thấy những vết xước và sứt trên xương của các động vật khác, phù hợp với mẫu răng của loài Majungasaurus, và cho thấy những động vật này là con mồi của chúng", ông D'Emic nói thêm.
Majungasaurus có chiều dài khoảng 6,5 mét và là đỉnh của chuỗi thức ăn tại Madagascar. Những chiếc răng sắc nhọn của chúng có khả năng cắt vào thịt của con mồi như những con dao. Đặc điểm của chúng là chiếc mõm ngắn và một sừng nhỏ trên đỉnh đầu. Đây cũng là một trong những loài khủng long cuối cùng tồn tại trên Trái Đất.
Majungasaurus, sinh sống tại khu vực Madagascar trong khoảng thời gian từ 66-70 triệu năm trước, là một trong những loài khủng long cuối cùng tồn tại trên Trái Đất. (Ảnh: iStock).
Tuy nhiên, dù hàm răng của Majungasaurus tỏ ra hiệu quả trong việc cắt xẻ thịt, chúng lại yếu ớt trong việc nhai xương. Nhai xương mặc dù vất vả nhưng một số loài vật, tiêu biểu như các loài gặm nhấm, thường dựa vào hoạt động này để bổ sung các vi chất thiết yếu.
"Đó là giả thiết của chúng tôi về lý do chúng thay răng nhanh như vậy", ông D'Emic nói và cho biết tốc độ phát triển của răng loài Majungasaurus tương đương với loài cá mập và các con khủng long ăn cỏ cỡ lớn.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu răng của loài Majungasaurus và nhận thấy thay vì có tuổi thọ hàng năm, răng của loài này chỉ có tuổi thọ tính bằng ngày.
Việc thay răng chỉ xảy ra ở một số ít trong số các loài khủng long ăn thịt từng một thời thống trị Trái Đất.
"Tôi hy vọng dự án lần này sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu sâu hơn về các loài khủng long khác. Tôi nghĩ việc đó sẽ giúp phát hiện thêm nhiều bất ngờ nữa", ông D'Emic nhận định.