Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ vừa trưng bày một trong ba viên kim cương đỏ hiếm hoi trên thế giới.
Viên kim cương đỏ Kazanjian trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ. (Ảnh: Livescience.)
Livescience cho biết, trong số các màu của kim cương thì đỏ là màu hiếm và huyền bí bởi không ai biết chắc chắn nguồn gốc hay cấu tạo của nó.
Một trong ba viên kim cương đỏ mà con người từng biết có khối lượng 5 carat (1 gam). Nó được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ. Viên kim cương này, có tên Kazanjian, có màu đỏ thẫm giống như hồng ngọc hay đá garnet. Người ta từng nhầm tưởng kim cương đỏ Kazanjian là hồng ngọc trong suốt gần một thế kỷ.
Kazanjian được tìm thấy tại Nam Phi trong những năm cuối thập niên 20. Sau khi qua tay nhiều người, nó được đưa tới Amsterdam của Hà Lan – nơi những người thợ kim hoàn bắt đầu chế tác nó. Sau 7 tháng nghiên cứu và đánh bóng, họ tạo ra một viên kim cương nhỏ hơn viên đá ban đầu. Họ muốn bán viên đá nhưng không thành công. Năm 1944 phát xít Đức chiếm đóng Hà Lan và tịch thu tất cả đồ vật quý, trong đó có viên kim cương. Sau chiến tranh, người ta tìm thấy nó gần khu nghỉ dưỡng của trùm phát xít Adolf Hitler tại Berchtesgaden, Bavaria, Đức. Khi đó một vị tướng Mỹ đã nhầm tưởng nó là hồng ngọc.
Viên kim cương đỏ được trao trả cho những người thợ kim hoàn tại Hà Lan. Con cháu của họ bán viên kim cương để trả nợ. Sau đó người ta không biết nó ở đâu. Vào năm 2007 một công ty có tên Kazanjian Brothers mua được viên kim cương và từ đó người ta gọi nó là Kazanjian.
Kim cương là tinh thể mà trong đó mỗi nguyên tử carbon (C) liên kết với 4 nguyên tử C khác. Những viên kim cương có những vệt màu sáng được gọi là kim cương màu. Nếu viên kim cương có màu rất đậm, chúng sẽ được gọi là "có màu sắc rực rỡ". Màu của kim cương được tạo nên bởi sự hiện diện của tạp chất. Trong cấu trúc của nó, một nguyên tử C bất kỳ trong mạng tinh thể bị thay thế bởi một nguyên tử của nguyên tố khác.
“Người ta thích những viên kim cương có màu sắc rực rỡ. Những viên đá quý màu nâu không thu hút sự chú ý của giới sành điệu”, George Harlow, một chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, cho biết.
Đối với kim cương nâu và kim cương đỏ, giới khoa học cho rằng chúng có các lỗ hổng trong tinh thể. Nếu nguyên tử C bị thay thế bởi nguyên tử Nitơ (N) thì kim cương cũng có thể có màu nâu. Tuy nhiên, theo Harlow, giả thuyết này chưa được kiểm chứng.