Cuộc chiến điện năng là một sự kiện có thật trong lịch sử, diễn ra vào cuối thập niên 1880 đầu thập niên 1890 giữa 2 nhà khoa học là Thomas Edison và Nikola Tesla.
Nhà phát minh Thomas Edison (1847 – 1931) là người có công rất lớn trong việc phổ biến sử dụng điện năng thời kỳ đầu, đặc biệt việc phát triển tính ứng dụng của bóng đèn đã thúc đẩy một cuộc cách mạng đối với xã hội cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần 2.
Ban đầu, bóng đèn đã được phát minh vào thế kỷ 19 nhưng việc sử dụng rộng rãi hệ thống điện và chiếu sáng công cộng chỉ được áp dụng vào cuối những năm 1870 và hiệu suất của những chiếc bóng đèn cũng không cao.
Năm 1878, Edison đã cải tiến hiệu suất chiếu sáng của bóng đèn và công ty Edison Electric Light của ông bắt đầu chiếm lĩnh thị trường điện.
Hãng Edison Light là doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng điện một chiều (DC) vào cuộc sống. Tuy nhiên, hệ thống điện một chiều không thể truyền tải điện năng quá xa và cần rất nhiều ống dẫn đồng, với giá thành còn đắt đó thời đó, để lắp đặt.
Thomas Edison (1847 – 1931) là người có công rất lớn trong việc phổ biến sử dụng điện năng thời kỳ đầu.
Đến cuối thập niên 1880, hệ thống điện xoay chiều (AC) được phát minh với khả năng truyền tải điện xa hơn. Đặc biệt, những sáng chế của Nikola Tesla (10/7/1856 - 7/1/1943) cho công ty điện Westinghouse Electric đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành điện xoay chiều cũng như hệ thống điện năng ngày nay.
Tất nhiên, việc tham gia thị trường điện của Westinghouse đã đe dọa vị thế của Edison Light và cuộc chiến giữa 2 ông lớn ngành điện cũng như giữa 2 nhà phát minh ngày càng được đẩy lên cao trào.
Trước những ưu thế của điện xoay chiều, Edison và công ty Edison Light đã tập trung công kích vào tính an toàn của hệ thống. Họ đưa ra hàng loạt những bằng chứng cho thấy hệ thống điện này không an toàn.
Thời kỳ đó, nhiều diễn viên xiếc đường phố được trả tiền để chích điện những thú nuôi nhằm chứng minh tính không an toàn này. Thậm chí, phương pháp tử hình bằng điện cũng bắt đầu được manh nha từ thời kỳ này.
Mặc dù vậy, những lợi ích mà dòng điện xoay chiều đem lại là không thể chối cãi. Bất chấp những chỉ trích liên quan đến tính an toàn của điện xoay chiều, hệ thống năng lượng mới này vẫn được các nhà kinh doanh và chính quyền ủng hộ.
Đến thập niên 1890, Thomas Edison quyết định rút khỏi ngành điện để tập trung phát triển những phát minh khác của mình. Với sự rút lui của Edison, cuộc chiến điện năng chính thức kết thúc với phần thắng thuộc về Tesla, điện xoay chiều và công ty Westinghouse.
Có một điều thú vị là Nikola Tesla từng làm việc cho Thomas Edison khi ông mới đến Mỹ. Tuy nhiên, do bất đồng về quan điểm mà 2 nhà sáng chế đại tài này không thể hợp tác với nhau.
Thực tế, cả 2 người đều có những đóng góp lớn lao cho loài người và không thể xác định chính xác ai giỏi hơn ai.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực điện năng, Tesla còn là một nhà phát minh đại tài với phát hiện tia X, phác thảo những ý tưởng tiên phong cho công nghệ robot và có nhưng dự đoán đáng kinh ngạc về lĩnh vực kỹ thuật này.
Không những vậy, ông còn là người chế tạo ra hệ thống điều khiển không dây bằng sóng radio cho hải quân Mỹ, sáng chế ra động cơ điện và đặt nền móng cho mảng năng lượng không dây.
Thời kỳ đó, nhiều người gọi Tesla là kẻ điên bởi ý tưởng của ông đi trước thời đại quá nhiều. Thậm chí nhiều quan điểm của ông cho đến ngày nay vẫn không được hiểu hết dù nhiều ý tưởng trước đó đã được chứng minh là chính xác. Thậm chí, nhà sáng chế người Áo này đã qua đời trong tình trạng phá sản do đầu tư hết tiền vào nghiên cứu.
Dù Tesla đã thắng trong cuộc chiến điện năng, nhưng nhiều chuyên gia và nhà phân tích vẫn tranh luận về khả năng của 2 nhà phát minh trên. Liệu "ông tổ" của bóng đèn hay "cha đẻ" của điện xoay chiều là nhà sáng chế vĩ đại hơn?
Trên thực tế, cả 2 đều có những đóng góp lớn lao cho loài người và không thể xác định chính xác ai giỏi hơn ai. Chúng ta chỉ có thể đánh giá một số khác biệt của 2 nhà phát minh đại tài này.
Nikola Tesla có trí nhớ siêu phàm và ông thường phác thảo sơ bộ trước khi bắt tay vào nghiên cứu.
Nikola Tesla có trí nhớ siêu phàm và ông thường phác thảo sơ bộ trước khi bắt tay vào nghiên cứu. Điều này khiến ông tiết kiệm được thời gian cũng như tiền bạc cho nhiều sáng chế. Tuy nhiên, có thể do quá "thông minh" nên ông không thể làm việc được cùng nhiều người, qua đó hạn chế hiệu suất làm việc.
Trái ngược lại, do không được học hành đầy đủ nền Thomas Edison thường dùng thực nghiệm để tạo ra các phát minh. Điều này khiến ông tốn thời gian và tiền bạc hơn. Tuy nhiên, do biết được điểm yếu của mình nên Edison có một đội ngũ hỗ trợ và chuyên gia rất lớn nhằm giúp ông hoàn thành công việc.
Chính Tesla đã từng phê phán ngầm rằng nếu phải tìm một cây kim trong đống rơm, Edison sẽ nhặt từng cọng rơm trong khi ông có thể dùng một phép tính đơn giản để xác định vị trí của cây kim đó.
Trong suốt cuộc đời, Edison nắm giữ 1.093 bằng sáng chế, cao hơn nhiều so với 300 bằng phát minh của Tesla. Tuy vậy, rất nhiều phát minh của Edison là mua lại rồi cải tiến, trong đó có bóng đèn, hoặc được phát triển chủ yếu bởi những chuyên gia hỗ trợ.
Nhiều người thậm chí cho rằng Edison giống một thương nhân hơn là nhà phát minh.
Mặc dù Edison có những phát minh quan trọng đối với loài người, nhưng hầu hết các sáng chế này có tính thực dụng cao và không quá "vượt trước thời đại". Hiểu theo cách khác, nếu Edison không cải tiến bóng đèn thì người khác cũng sẽ làm. Rất nhiều lĩnh vực mà nhà phát minh này nghiên cứu cũng đang được các nhà khoa học khác tiến hành thời kỳ đó.
Trái ngược lại, Tesla lại có những quan điểm vượt trước thời đại quá xa. Nhiều phát minh của ông chỉ nằm trên giấy và không mang tính thực dụng vào thời kỳ đó.
Chính Edison đã bác bỏ tính "không thực tế" của điện xoay chiều khi Tesla làm việc cho mình, dẫn đến cuộc chiến điện năng sau này.
Những tư tưởng của Tesla đóng góp rất lớn cho hệ thống liên lạc không dây, điện thoại di động và truyền hình ngày nay. Tuy nhiên, do không có đủ tài chính để hoàn thành nghiên cứu cũng như những hạn chế về khoa học kỹ thuật mà nhà phát minh này qua đời trong khánh kiệt.
Tư tưởng của Tesla đóng góp rất lớn cho hệ thống liên lạc không dây, điện thoại di động và truyền hình ngày nay.
Edison rõ ràng có tầm ảnh hưởng lớn hơn Tesla vào thời kỳ đó khi ông chia nhỏ các thực nghiệm và giao cho những nhân viên của mình. Ông tổ bóng đèn này chỉ bảo đảm nguồn tài chính cho các thí nghiệm hoặc tham gia những phát minh quan trọng nhất.
Trong khi đó, tư tưởng của Tesla quá "khác thường" nên ngoài chiến thắng trong dòng diện xoay chiều, các phát minh khác của ông không gây nhiều được tiếng vang và chìm vào quên lãng cho đến tận thập niên 1990, khi những lý thuyết của ông bắt đầu được chứng thực.
Nikola Tesla được cho là ngạo mạn và mắc chứng "sạch sẽ thái quá".
Di sản mà Tesla để lại không phải là một bằng sáng chế hay một công nghệ cụ thể, mà chính là nhà máy nơi sản xuất các phát minh của ông. Tại đây, dây chuyền sản xuất được chia thành các công đoạn nhỏ được thực hiện bởi các đội quân công nhân. Còn với Edison, ông lấy ý tưởng một chiếc máy ảnh chụp ảnh động, hay máy nội soi từ cuộc nói chuyện với nhiếp ảnh gia Edward Muybridge, nhưng sau đó ông đã để lại hầu hết các thí nghiệm và bản mẫu cho trợ lý William Dickson và những người khác. Bằng việc phát minh và phát triển cùng lúc nhiều sản phẩm mà nhờ đó các trợ lý của Eddison được đảm bảo nguồn tài chính để có thể tiếp tục công việc của họ.
Những phát minh của Tesla là nền tảng cốt lõi của hệ thống năng lượng và truyền thông hiện nay, nhưng vào cuối thế kỷ 20, các phát minh của ông dần biến mất vào lịch sử. Và mặc dù có nhiều bằng phát minh và sáng chế mới nhưng Tesla vẫn ra đi trong sự nghèo khổ vào năm 1943.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Tesla sống trong tầng lớp thượng lưu với phong cách tao nhã, lôi cuốn và dí dỏm. Ông có thể nói được nhiều thứ tiếng kết bạn với những người nổi tiếng như đại văn hào Mark Twain hay Rudyard Kipling.
Tuy vậy, ông cũng được cho là ngạo mạn và mắc chứng "sạch sẽ thái quá". Những năm cuối đời, chứng bệnh này ngày càng nặng và ông mất trong tình trạng không một xu dính túi ở một khách sạn tại New York.
Nhà phát minh Edison lại có một cuộc sống khép kín trái ngược, ông chỉ có vài người bạn thân. Dù thua trong cuộc chiến điện năng nhưng tầm ảnh hưởng của ông vẫn rất lớn. Về cuối đời, Edison trở thành bạn thân với Henry Ford, nhà sáng lập hãng xe Ford, và vẫn thực hiện rất nhiều thí nghiệm.
Tesla nổi tiếng là một người có phong cách ăn mặc đẹp thời đó. Với dáng cao, mảnh khảnh và bộ ria mép được cắt tỉa cẩn thận, ông gây được ấn tượng với khá nhiều người nhờ vẻ bề ngoài và trí thông minh của mình. Chiếc mũ và cây gậy mà Tesla từng sử dụng hiện vẫn được trưng bày tại bảo tàng Serbia.
Trái ngược lại, Edison lại không quan tâm lắm đến vẻ bề ngoài. Không một ai quan tâm đến những gì Edison đã từng mặc bởi chúng không thực sự thu hút. Thậm chí, nhà phát minh này thường đi giày cỡ lớn hơn chân của mình để dễ dàng xỏ vào/ra mà không mất thời gian buộc/cởi dây giày.