Cuộc tranh giành quyền lực giữa mẹ con Võ Tắc Thiên (1)

  •  
  • 4.076

Công chúa nhỏ mới sinh được ít ngày đã qua đời. Hai Thái tử Lý Hoằng, Lý Hiền cũng chết đột ngột. Dân gian và sử sách đều cho rằng tất cả đều do Võ Tắc Thiên sắp xếp.

>>> Tội ác của Võ Tắc Thiên được dân gian truyền lại ra sao?
>>> Những bí ẩn kinh ngạc trong lăng mộ Võ Tắc Thiên

Công chúa nhỏ chết yểu

Năm 652, Võ Tắc Thiên sinh hạ được một con trai, đặt tên là Lý Hoằng. Kỳ vọng vào việc con trai làm hoàng đế khiến bà bắt đầu tìm cách ngồi vào vị trí hoàng hậu. Bà đưa chị và cháu gái vào cung để tranh giành vị trí với Vương Hoàng hậu trong lòng hoàng đế.

Về phía hoàng hậu, sau khi Võ Tắc Thiên sinh được Lý Hoằng thì lập tức liên kết với Tiêu Thục phi để tìm cách hãm hại Võ Tắc Thiên. Để đối phó với phe phái của Vương Hoàng hậu, Võ Tắc Thiên được cho là đã không từ thủ đoạn nào.

Cuộc tranh giành quyền lực giữa mẹ con Võ Tắc Thiên
Võ Tắc Thiên tìm mọi cách để từng bước tiếm quyền. Ảnh minh họa: Sina

Theo ghi chép trong phần "Võ Tắc Thiên Truyện" của cuốn "Tân Đường thư", mùa xuân năm 655, Võ Tắc Thiên sinh hạ được cô công chúa vô cùng dễ thương, Vương Hoàng hậu tới thăm. Sau khi hoàng hậu đi khỏi, Võ Tắc Thiên đang tâm bóp chết con gái để dồn tội cho Vương Hoàng hậu.

Một lát sau, Cao Tông xuất hiện, Võ Tắc Thiên vờ vui mừng đón hoàng thượng tới thăm công chúa. Khi mở chăn ra, hoàng đế thấy công chúa đã chết tự bao giờ. Lúc này Võ Tắc Thiên kinh hoàng hỏi han mọi người xung quanh, các nô tì đều nói Vương Hoàng hậu vừa tới thăm. Đường Cao Tông không nắm được sự tình, Võ Tắc Thiên lại khóc lóc thảm thiết khiến Cao Tông xuất hiện ý định phế truất Vương Hoàng hậu.

Trong cách lý giải này, Võ Tắc Thiên giống như ma vương giết người không chớp mắt, có thể hạ thủ ngay cả con đẻ của mình. Nhưng cũng có tài liệu không ghi chép kỹ càng về cái chết của công chúa, nên người đời vẫn hoài nghi về việc có phải chính Võ Tắc Thiên giết chết con gái.

Tuy vậy, có một điều phải khẳng định rằng, chính Võ Tắc Thiên đã lợi dụng cái chết của con gái để hãm hại Vương Hoàng hậu. Điều quan trọng hơn nữa là Võ Tắc Thiên đã thành công, bởi Đường Cao Tông tin chỉ có Vương Hoàng hậu là hung thủ giết đứa bé. Còn một số sự kiện xảy ra để giúp cho Võ Tắc Thiên ngồi lên vị trí hoàng hậu, nhưng sự kiện công chúa qua đời chính là nhân tố quan trọng để bà bước lên nấc thang quyền lực cao hơn.

Thái tử Lý Hoằng bạo bệnh qua đời

Năm 655, Võ Tắc Thiên cũng ngồi được vào vị trí Hoàng hậu. Sau khi giết tể tướng Thượng Quan Nghị bởi âm mưu làm phản thì lịch sử nhà Đường đã được ghi lại với một quãng thời gian "nhị Thánh lâm triều". Giai đoạn này, Đường Cao Tông thiết triều nhưng Võ Tắc Thiên ngồi cạnh để giám sát và mọi việc lớn nhỏ đều phải có sự đồng ý của bà mới có hiệu lực.

Tuy nhiên, tham vọng của Võ Tắc Thiên không dừng lại ở đó. Bà còn muốn đi xa hơn trong cuộc tranh giành quyền lực chốn cung đình. Điều này gây ra cuộc chiến giành ngôi vị hoàng đế giữa Võ Tắc Thiên và các thái tử.

Thái tử Lý Hoằng là con đẻ của Võ Tắc Thiên, được sinh ra khi bà còn ở vị trí Chiêu Nghi. Sự xuất hiện của Lý Hoằng như một bảo bối để vị trí của Võ Tắc Thiên không bị lung lay. Bản thân Võ Tắc Thiên cũng luôn kỳ vọng ở con trai mình.

Sau này Lý Hoằng trở thành Thái tử, Võ Tắc Thiên trở thành Thiên hậu, có thể nói, vị trí của hai mẹ con bà như sự ràng buộc, cân bằng, hỗ trợ nhau để thao túng quyền lực trong tay. Nhưng sau này, Võ Tắc Thiên lại quay trở lại đối phó với chính con đẻ của mình.

Thái Bình công chúa có nhiều tham vọng chính trị và nhiều mưu mô giống mẹ, nhưng bà không thể xưng danh hoàng đế như Võ Tắc Thiên dù có tố chất và nhiều điều kiện thuận lợi.

Cuộc tranh giành quyền lực giữa mẹ con Võ Tắc Thiên
Tạo hình Võ Tắc Thiên trong phim. (Ảnh minh họa: Xinhua)

Theo China.com.cn, mối quan hệ giữa hai mẹ con rạn nứt bởi xuất hiện một số tình tiết nhạy cảm. Võ Tắc Thiên giúp Đường Cao Tông xử lý việc triều chính, trong cung khi đó đều coi họ là Nhị Thánh, vị trí của bà được coi là ngang ngửa với Cao Tông, có nhiều việc quốc gia đại sự đều do một tay bà xử lý. Võ Tắc Thiên vốn hy vọng con trai mình có thể giúp bà một tay, nhưng Lý Hoằng bắt đầu có những hành vi bất kính với Mẫu hậu.

Một lần, Cao Tông đưa Thiên hậu đi thị sát ở Lạc Dương, Lý Hoằng ở lại cung với vai trò Thái tử thay phụ hoàng và mẫu hậu xử lý việc triều chính. Một hôm Lý Hoằng đi tới Cung Dịch Đình. Ở đó Lý Hoằng gặp hai chị cùng cha khác mẹ là công chúa Nghĩa Dương và công chúa Tuyên Thành. Hai vị công chúa này bị nhốt trong cung cấm hơn chục năm nay, không được gặp ai, đến nỗi sau này đã bị câm.

Lý Hoằng nhìn thấy họ liền động lòng trắc ẩn, viết cho Cao Tông một bức thư, hy vọng có thể thả hai người chị đó ra ngoài để họ làm người bình thường. Võ Tắc Thiên vô cùng tức giận, gây cản trở.

Chuyện này vốn xảy ra đã lâu, hơn chục năm trôi qua, giờ thái tử lần nữa khơi lại chuyện cũ, quan trọng là một lần nữa xoáy vào những xấu xa độc ác của Võ Tắc Thiên khi chính bà là người dùng cực hình với Tiêu Thục phi, mẹ đẻ của hai công chúa, dẫn hai cô tới thảm cảnh này. Vì thế, trong lòng Võ Tắc Thiên cảm thấy bị công kích rất lớn. Và đây chính là ngòi nổ cho xung đột giữa hai mẹ con Võ Tắc Thiên và Lý Hoằng.

Năm 675, Cao Tông và Võ Tắc Thiên dẫn Thái tử cùng đi thị sát ở Lạc Châu. Đột nhiên Thái tử qua đời vì bạo bệnh ở điện Kỳ Vân.

Liên quan tới cái chết của Lý Hoằng, cuốn "Tân Đường Thư: Võ Tắc Thiên Hoàng hậu Truyện" viết: Hai công chúa Nghĩa Dương và Tuyên Thành, con gái của Tiêu Hậu phi bị giam ở Dịch Đình, Thái tử động lòng trắc ẩn viết thư cầu Hoàng đế giúp, sau đó vì tức giận đã tự sát. Trong cuốn "Tân Đường Thư: Cao Tông Bản Kỷ" cũng ghi lại rất rõ ràng rằng: Võ Tắc Thiên giết chết Thái tử Lý Hoằng, không mập mờ giấu giếm.

Khi sức khỏe Cao Tông xấu đi, ông đã có ý định truyền ngôi cho Thái tử Lý Hoằng. Đúng lúc Cao Tông có ý định này thì Lý Hoằng lại đột ngột qua đời khiến hậu thế có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.

Cũng có giả thuyết cho rằng Lý Hoằng qua đời do bệnh lao phổi chứ không phải do mẹ đẻ là Võ Tắc Thiên bức chết. Tuy nhiên, trong cuốn "Tư trị thông giám" của Tư Mã Quang khi nói tới sự kiện này thì thái độ khá trung tính cho rằng, "có người cho rằng thiên hậu rất độc ác", tức là Tư Mã Quang không đưa ra kết luận cá nhân mà thể hiện quan điểm một cách cẩn trọng.

Sau khi Thái tử Lý Hoằng qua đời đột ngột, Võ Tắc Thiên lần lượt sắp xếp cho hai người con thứ của mình lên kế ngôi Thái tử. Nhưng cuộc tranh giành quyền lực giữa Võ Tắc Thiên và các Thái tử không dừng lại ở đó.

Theo Zing
  • 4.076