Thành Cát Tư Hãn coi việc cướp bóc từ các đối phương là quốc gia đại sự, là cách làm giàu nhanh nhất cho đế quốc của ông ta.
Từ sau chiến thắng trước tộc người Tatar rồi tộc người Nữ Chân, Thành Cát Tư Hãn đã tổ chức các chiến dịch cướp bóc quy mô lớn, theo cuốn "Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại" của Giáo sư Jack Weatherford.
Trận chiến lớn với người Nữ Chân diễn ra khi vị Hoàng Hãn của người Nữ Chân phản lại lời thề thần phục Thành Cát Tư Hãn sau khi ông chinh phục họ chỉ vài tháng trước đó. Với sự trợ giúp của rất nhiều người Nữ Chân, quân của Thành Cát Tư Hãn nhanh chóng chiếm lại kinh đô Trung Đô, và lần này, quân Nữ Chân không còn cơ hội để dâng cống phẩm nữa. Toàn bộ kinh thành của họ bắt đầu bị trừng phạt và cướp bóc.
Cảnh trong một bộ phim về Thành Cát Tư Hãn.
Để việc cướp bóc được triệt để, Thành Cát Tư Hãn lui quân về Nội Mông và giao việc này cho Khada, một viên tướng người Khiết Đan đã quen với việc quản lý các thành phố và biết cách tước đoạt của cải nhanh nhất.
Quân Mông Cổ coi chiến lợi phẩm cũng giống như thú săn được trong một cuộc đi săn chung, và chia chúng cho tất cả mọi người theo thứ bậc. Giáo sư Weatherford viết rằng: "Cả một cái khuy đồng hay hạt bạc cuối cùng, đều được phân phát theo một công thức cụ thể, từ 10% cho vị hãn tới phần dành riêng cho trẻ mồ côi và góa phụ".
Khi các đội quân Khiết Đan và người Hoa trong đoàn quân của Thành Cát Tư Hãn không tuân theo quy tắc chia chiến lợi phẩm này và muốn giữ những của cải cướp được, ông phái vị quan xử án trưởng của Mông Cổ tới trực tiếp giám sát việc cướp bóc có phương pháp và lên danh sách chi tiết.
Theo sử sách ghi lại, người Khiết Đan đã cướp bóc kinh thành của người Nữ Chân hết sức triệt để, họ tróc vàng từ tường cung điện, cạy đá quý, cướp những chiếc rương chứa đầy tiền vàng và bạc. Họ chất đầy kim loại quý giá lên xe bò kéo và buộc lụa là lên lưng lạc đà.
Sau khi vị quan xử án đến, tất cả tài sản đều phải đưa về Nội Mông. Và trong nửa đầu năm 1215, hàng đoàn xe kéo chở người, súc vật và hàng hóa từ Thành Đô kéo về Dolon Nor, nơi Thành Cát Tư Hãn chờ đợi để chứng kiến một lượng hàng hóa lớn chưa từng thấy trong lịch sử các vị hãn thảo nguyên.
Quân Mông Cổ coi chiến lợi phẩm giống như thú săn được trong một cuộc đi săn chung, chia chúng cho tất cả mọi người theo thứ bậc. (ảnh minh họa).
Theo các sử gia, đoàn xe ngựa và lạc đà chở nhiều vải vóc quý tới nỗi quân Mông Cổ dùng cả lụa để bọc các đồ dùng khác hoặc để gói hàng hoặc làm dây buộc hàng.
Bên cạnh lụa, vải sa-tanh, gấm kim tuyến, vải sa, quân Mông Cổ mang theo bất kỳ đồ vật gì họ thích mà có thể di chuyển được, từ đồ nội thất bằng gỗ sơn, quạt giấy, bát gốm, giáp kim loại, dao đồng, bát đĩa.... Đoàn xe kéo chở túi da đựng rượu, mật ong và trà đen cùng hương trầm, long não, đàn hương... luôn thơm lừng và thu hút hàng đàn côn trùng bay theo.
Theo Weatherford, trong suốt lịch sử chinh chiến và giao thương, không có vị thủ lĩnh nào mang về quê hương số lượng hàng hóa nhiều như Thành Cát Tư Hãn. Của cải được chia cho người dân, khiến người Mông Cổ ai cũng được ngồi trong "ger" (lều) giữa các thứ đồ nội thất bằng gỗ sơn phủ lụa, các thiếu nữ ai cũng dùng nước hoa và trang điểm, đeo trang sức. Ngựa của người Mông Cổ con nào cũng có yên cương bằng kim loại, còn các chiến binh được "lên đời" vũ khí bằng đồng và sắt.
Lượng hàng hoá càng lớn, lại càng kích thích lòng ham muốn của Thành Cát Tư Hãn, khiến ông ta càng có tham vọng phải chinh phục nhiều hơn nữa. Cuộc tấn công các thành phố phía nam sa mạc Gobi để lấy lụa và trang sức đã trở thành một cuộc chiến tranh kéo dài ba thập niên lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Sau chiến dịch đánh người Nữ Chân, lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, Thành Cát Tư Hãn có quá nhiều của cải cướp được và không thể phân phát hết. Để chứa của cải, ông ta đã xây dựng vài tòa nhà liền nhau gọi là Hoàng Cung, với chức năng chính chỉ là kho chứa chiến lợi phẩm từ các chiến dịch.
Không chỉ cướp bóc của cải, quân đội của Thành Cát Tư Hãn còn tàn phá các thành phố, làng mạc và san bằng tất cả, biến các vùng đất họ đi qua thành đồng cỏ rộng lớn để sau này, khi quân đội của ông ta trở lại, sẽ dễ dàng cho vó ngựa Mông Cổ tiếp tục sải bước, có sẵn cỏ cho ngựa và thịt các loài gia súc, thú rừng cho quân lính.
Với bước đường chinh phục này, Thành Cát Tư Hãn đã nắm toàn quyền kiểm soát Con đường tơ lụa nối người Trung Quốc và thế giới Hồi giáo, khiến ông nắm quyền điều khiển số lượng lớn thương phẩm giao thương trên con đường này. Lợi thế đó khiến Thành Cát Tư Hãn tính đến việc tổ chức giao thương, trước khi ý định buôn bán của ông bị các vị sultan (tương đương vua ở các xứ mà Hồi giáo là quốc giáo) dội gáo nước lạnh, để rồi dẫn tới cuộc chiến tranh tàn khốc giữa quân đội Mông Cổ với các vị sultan.