Cứu lấy sao la

  •  
  • 1.756

Tháng 8 vừa qua, Các nhà bảo tồn sinh học của VN và quốc tế dự một cuộc họp khẩn cấp tổ chức tại Vientiane (Lào) để tìm biện pháp giải quyết mối đe dọa tuyệt chủng đối với một trong những loài thú bí ẩn nhất của thế giới - Sao la.

Hiện sao la được liệt vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ các loài bị đe dọa của Tổ chức Bảo tồn thế giới (IUCN), nghĩa là chúng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong tự nhiên. 

Sao la chụp được bằng bẫy ảnh ở Lào năm 1999 
(Ảnh: SWG - IUCN)

Nguy cơ biến mất

Tại VN từ năm 1999-2004, dù đã thực hiện rất nhiều cuộc khảo sát hiện trường, kể cả đặt bẫy ảnh, nhưng càng về sau thông tin của sao la càng ít dần. Một số ý kiến cho rằng khi số lượng cá thể loài này xuống mức thấp nhất thì đòi hỏi các phương tiện nghiên cứu, giám sát tinh vi hơn trong khi năng lực của các tổ chức bảo tồn địa phương còn thiếu hụt.

Nguy cơ khiến sao la ngày càng mất dấu chủ yếu do nạn săn bắt của con người. Sao la chỉ sống trong sinh cảnh rất nhỏ hẹp là ghềnh đá đầu nguồn các con sông nên rất dễ bị săn bẫy. Hơn nữa, loài này rất sợ chó nên những lúc nghe tiếng chó sủa, chúng gần như chỉ biết tự vệ bằng cách núp vào các hốc đá nên dễ bị bắt. Giới thợ săn cho rằng muốn bẫy sao la chỉ có chó là vũ khí lợi hại nhất, một số khác nói chúng cũng dễ bị mắc bẫy treo, một loại bẫy thông dụng mà những người săn thú thường dùng.

Con số các vụ vận chuyển và tiêu thụ thịt thú rừng ngày càng tăng. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Thừa Thiên - Huế đã có 543 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển động vật rừng, trong đó có ba vụ khởi tố hình sự. Một cán bộ kiểm lâm có kinh nghiệm lâu năm của Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế khẳng định trong số những lô hàng bắt giữ được từ trước đến nay, họ không có kỹ năng để phân biệt được đâu là thịt nai, thịt mang hay thịt sao la. Tuy nhiên, điều này cũng không loại trừ việc sao la bị săn bẫy để phục vụ thú ẩm thực của “thượng đế”.

“Thời điểm lịch sử”

Chúng ta đang ở thời điểm lịch sử trước một cánh cửa cơ hội rất nhỏ và đang nhanh chóng khép lại để bảo vệ loài thú đặc biệt này. Cánh cửa này có thể đã đóng lại đối với loài bò xám, chúng ta phải nỗ lực để khẳng định? sao la không thể là loài tiếp theo” - ông William Robichaud, điều phối viên nhóm công tác về sao la của IUCN, nói tại cuộc họp khẩn cấp nêu trên.

Từ kế hoạch đến hành động” - chủ đề của cuộc họp - như là nỗ lực cuối cùng để cứu loài sao la khỏi nguy cơ tuyệt chủng thời gian tới. Các nhà khoa học cũng thảo luận những phương pháp tiếp cận mới trong nghiên cứu sao la như dùng các thiết bị dò tìm kỹ thuật bằng vô tuyến điện, thậm chí thu nhận các mẫu phân để phân tích cũng như nâng cao nhận thức cho cộng đồng các địa phương có sao la và thúc đẩy thực hiện cam kết của các chính quyền cấp trung ương và địa phương ở Lào và VN.

Tại Thừa Thiên - Huế, nỗ lực để thành lập khu bảo tồn sao la ở huyện A Lưới đang gặp trở ngại vì địa phương không có nguồn tài chính dồi dào, trong lúc Thừa Thiên - Huế cùng với tỉnh bạn Lào là Salavan được xem là nơi nuôi dưỡng hi vọng về tương lai bảo tồn cho loài thú này. Những nỗ lực cuối cùng để cứu loài sao la quý hiếm đang gấp rút hành động và kết quả vẫn đang còn ở phía trước con đường cam go này. 

Loài thú bí ẩn

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) thường sống tại khu vực rừng đầu nguồn các con sông với những ghềnh đá nhiều hang hốc. Vùng rừng của những tỉnh giáp biên giới Lào - Việt dọc dãy Trường Sơn đều tìm thấy thông tin của loài thú này sau khi nó được các nhà khoa học VN và quốc tế phát hiện vào năm 1992 tại Vũ Quang, Hà Tĩnh. Ngay tại thời điểm phát hiện, sao la đã là một loài thú hiếm với số lượng quần thể rất nhỏ. Sao la càng trở nên bí ẩn khi thông tin về loài thú này ngày càng ít dần, thậm chí khi các nhà khoa học sử dụng đến bẫy ảnh hiện đại vẫn không tìm thấy dấu vết của chúng.

Về hình dáng bên ngoài, sao la trông giống loài linh dương sa mạc ở Ả Rập, nhưng thực tế loài này có quan hệ gần hơn với các giống gia súc. Các sọc màu trắng nổi bật trên mặt và cặp sừng thon dài tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cùng môi trường sống kín đáo ở những khu rừng ẩm ướt trong dãy Trường Sơn càng gợi nên vẻ bí ẩn của loài này. 

TS NGUYỄN ĐẠI ANH TUẤN (Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiê
  • 1.756