Tất nhiên ai cũng biết nước biển mặn, nhưng nồng độ nơi này nơi khác không giống nhau. Khi nắm được mức độ muối trong lòng đại dương, người ta sẽ dễ dàng hơn trong việc mở khóa các bí ẩn như lượng mưa hoặc dòng chảy toàn cầu.
Tháng 6 năm nay, Cơ quan quản trị không gian Mỹ (NASA) đã phóng vệ tinh Aquarius/SAC-D bay quanh trái đất với những thiết bị chuyên dụng, miệt mài làm việc trong thời gian qua. Đến nay đã xây dựng một bản đồ tạm thời về độ mặn của một số khu vực trên toàn cầu (ảnh). Những dữ liệu này giúp các nhà khoa học đoán định về những dòng nước ngọt lưu thông trong đại dương và qua đó dự kiến được mô hình khí hậu.
Trong bản đồ giai đoạn đầu, nơi có màu đỏ, vàng là có độ mặn cao; ở mức độ thấp là màu xanh và màu tím, trong khi đó nơi có màu đen là chưa thu thập đủ dữ liệu. Sự khác biệt độ mặn ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương là khá rõ ràng, bên cạnh đó có cả độ ngọt của nước sông Amazon xuôi ra biển. NASA cho biết có sự cách biệt rất thú vị giữa độ mặn khá cao ở vùng biển Ả Rập khô cằn ở phía tây thuộc tiểu lục địa Ấn Độ so với phía đông là vịnh Bengal. Đó là do sự chi phối của sông Hằng và gió cùng mưa mùa vùng Nam Á.
Vệ tinh Aquarius/SAC-D hoạt động với 3 thiết bị thu phát radio sóng viba tác động và thu phản hồi từ mặt nước; tùy thuộc vào độ dẫn điện của nước mà xác định hàm lượng muối trong đó. Theo báo Daily Mail, trước đây các tàu thủy đã từng thực hiện việc đo đạc độ mặn đại dương nhưng rất tốn thời gian trong khi dữ liệu thu thập cũng rất hạn chế. Vệ tinh của NASA lập bản đồ hằng tháng với độ chính xác cao hơn nhiều.
Độ mặn đại dương được đo bằng số gam muối trong một kilogam nước biển. Trước đây sai số là 32 đến 37 phần ngàn. Nhưng, NASA hy vọng rằng đã có thể điều chỉnh sai số xuống mức 0,2 phần ngàn, tức là có thể xem xét sự khác biệt từng miligam muối trong mỗi 6 lít nước.