Cộng đồng mạng tranh luận sôi nổi sau khi các nhà thiên văn nghiệp dư phát hiện một thứ giống như đám mây trên bề mặt sao Hỏa trong mấy ngày qua.
Camera tầm nhiệt của Mars Odyssey, phi thuyền đang bay quanh sao Hỏa của Mỹ, phát hiện "đám mây", MSNBC đưa tin.
"Mây trên sao Hỏa không phải là điều mà giới khoa học chưa từng nghĩ tới, song đám mây này lớn hơn nhiều so với kỳ vọng của chúng tôi", Jonathan Hill, một nhà khoa học của Đại học Arizona tại Mỹ, phát biểu.
Diện mạo Sao Hỏa vào ngày 22/3 theo giờ Mỹ và phần
có đám mây được phóng to ở góc phía trên, bên phải.
Hill cho biết, camera tầm nhiệt của phi thuyền có khả năng ghi hình những vật thể tỏa nhiệt trong ánh sáng nhìn thấy và ánh sáng hồng ngoại. Vì thế các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu cả cấu trúc của đám mây lẫn nhiệt độ của nó.
Sự hiện diện của đám mây trên sao Hỏa đang được thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn về thiên văn. Sean Walker, một chuyên gia của tạp chí Sky & Telescope, nói rằng một nhà thiên văn nghiệp dư có tên Wayne Jaeschke tại bang Pennsylvania, Mỹ là người đầu tiên trên mặt đất thấy một đám mây màu trắng trên hành tinh đỏ. Sau đó nhiều người khác xem lại những bức ảnh chụp sao Hỏa từ ngày 12/3 và cũng phát hiện mây. Kích thước của đám mây đang giảm dần.
Nhiều giả thuyết được đưa ra. Vài người đoán một thiên thạch đã lao vào sao Hỏa và đám mây chính là bụi bốc lên sau vụ va chạm. Một số người khác cho rằng đó chỉ là kết quả của hiện tượng phản xạ ánh sáng.
Giới khoa học nhận định họ cần thêm dữ liệu từ các kính thiên văn lớn trên toàn thế giới để giải mã đám mây bí ẩn trên sao Hỏa. Tuy nhiên, điều mà giới thiên văn chuyên nghiệp rút ra sau vụ việc là: Giới thiên văn nghiệp dư cũng có thể góp phần quan trọng vào việc phát hiện những điều thú vị trong vũ trụ.