Đây là cách Việt Nam biến súng chống tăng B-41 thành "pháo đại bác"

  •   4,34
  • 5.300

Súng chống tăng B-41 ngày càng mạnh hơn khi Việt nam đã tự chủ chế tạo thuốc nhiệt áp, mở ra cánh cửa để phát triển các loại vũ khí nhiệt áp có sức công phá lớn hơn.

Mang "đạn pháo 105mm" lên trên súng chống tăng B-41

Theo phóng sự "Sản xuất thành công thuốc nổ nhiệt áp" trên VTV2, mới đây Viện Vũ khí phối hợp với Viện Thuốc phóng, Thuốc nổ đã nghiên cứu thành công thuốc nổ nhiệt áp TNNA-7V dành cho các loại vũ khí nhiệt áp có uy lực cực mạnh.

Tuy nhiên, theo phóng sự trên thuốc nổ nhiệt áp hiện chỉ mới được Việt Nam sử dụng để chế tạo mẫu đạn mới giành cho súng chống tăng B-41, một trong những vũ khí bộ binh tiêu chuẩn của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Với việc chế tạo thành công thuốc nổ nhiệt áp, nhóm đề tài trẻ của Viện Vũ khí đã ứng dụng loại chất nổ đặc biệt này vào đề tài chế tạo mẫu đạn nhiệt áp ĐNA-7V dành cho súng chống tăng B-41 theo thiết kế mẫu đạn TBG-7V của Nga.

Trải qua nhiều lần bắn thử nghiệm ĐNA-7V được đánh giá đạt các yêu cầu kỹ chiến thuật mà nhóm đề tài đặt ra.

Về nguyên lý hoạt động, đạn nhiệt áp ĐNA-7V có nguyên lý bắn tương tự như các loại đạn chống tăng hay chống bộ binh khác của súng chống tăng B-41, do đó súng không cần qua cải tiến vẫn có thể bắn ĐNA-7V.

Tuy nhiên ĐNA-7V lại được trang bị đầu đạn nhiệt áp có uy lực và sức công phá lại vượt trội hơn gấp nhiều lần so với các mẫu đạn thông thường.


Thử nghiệm đạn nhiệt áp ĐNA-7V giành cho súng chống tăng B-41. (Ảnh: VTV2)

Theo như thông số kỹ thuật của ĐNA-7V do Viện Vũ khí giới thiệu, mẫu đạn nhiệt áp này có cỡ đầu đạn 105mm; đầu đạn nặng 4.5kg; chiều dài cơ sở 996mm.

Tầm bắn hiệu quả của ĐNA-7V vào khoảng 120m và xa nhất (với kính ngắm) là 500m; sơ tốc đầu đạn là 120m/s. Phạm vi ảnh hưởng của một vụ nổ với đạn nhiệt áp ĐNA-7V có thể lên đến hơn 40m2

Thử thách chế tạo đạn nhiệt áp "Made in Việt Nam"

So với các loại đạn rocket trước đây của súng chống tăng B-41, đạn nhiệt áp là một loại đạn mới hiệu quả trong tác chiến nhiều loại mục tiêu khác nhau như phá hủy boongke, hầm ngầm, tòa nhà hay phương tiện cơ giới cùng sinh lực địch

Bản thân các mẫu đạn nhiệt áp giành cho súng chống tăng B-41 (hay RPG-7) chỉ mới được Liên Xô chế tạo trong cuối những năm 1980, trong đó nổi bật nhất vẫn là TBG-7V.


Súng chống tăng RPG-7 (B-41) với các loại đạn rocket mở rộng, mẫu đạn dưới cùng trong ảnh chính là đạn nhiệt áp TBG-7V. (Ảnh: Vitaly Kuzmin).

Hiện tại các công nghệ liên quan đến việc chế tạo đạn nhiệt áp hay vũ khí nhiệt áp vẫn còn quá mới mẻ ở nước ta bởi nó sử dụng thuốc nổ nhiệt áp, đây là loại mới có cơ chế hoạt động khác so với các loại thuốc nổ trước đây.

Điều này cũng đặt ra thử thách không hề nhỏ đối với nhóm đề tài của Viện Vũ khí khi phải chế tạo ra được một loại chất nổ nhiệt áp để nhồi vào bên trong một quả đạn có trọng lượng chỉ hơn 4kg nhưng vẫn tạo ra được vụ nổ tương đương với một quả đạn pháo cỡ lớn với sức nổ mạnh hơn gấp 1.5-2 lần so với thuốc nổ TNT.

Qua nhiều lần nghiên cứu chế thử, thử nghiệm và mất nhiều thời gian công sức công trình chế tạo thuốc nổ nhiệt áp của Viện Vũ khí phối hợp cùng Viện Thuốc phóng, Thuốc nổ đã thành công, trong việc xác định được đơn thành phần chế tạo thuốc nổ nhiệt áp TNNA-7V ngoài ra còn đáp ứng yêu cầu tính kỹ thuật nhồi lắp cho đạn nhiệt áp ĐNA-7V.

Bên cạnh đó nhóm cũng xây dựng được phương pháp nhồi đúc TNNA-7V vào thân đạn có hút chân không, xây dựng được phương pháp thử nghiệm, nghiệm thu đánh giá uy lực của thuốc nổ nhiệt áp và đầu đạn nhiệt áp phù hợp với trang thiết bị đo lường hiện có trong nước.


Nguyên mẫu đạn nhiệt áp ĐNA-7V do nhóm đề tài trẻ của Viện Vũ khí nghiên cứu chế tạo. (Ảnh: VTV2).

Đặc biệt các kỹ sư của Viện Vũ khí đã nghiên cứu chế tạo thành công vỏ đầu đạn nhiệt áp với kết cấu mới thân liền tum tóp ở hai đầu, mà trước đây chưa từng được chế tạo trên dây chuyền công nghệ hiện có trong nước.

Từ thành công của Viện Vũ khí trong việc chế tạo thuốc nổ nhiệt áp cũng như đạn nhiệt áp giành cho súng chống tăng B-41 đã mở ra hướng nghiên cứu mới với hệ vũ khí nhiệt áp tương đối tiên tiến trên thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Có thể thấy làm chủ công nghệ trong thiết kế, sửa chữa sản xuất và khai thác hiệu quả những vũ khí trang bị mới là hướng đi nghiên cứu hiệu quả của các đơn vị thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Từ các sản phẩm quốc phòng mang hàm lượng khoa học cao sẽ là tiền đề mở ra các nghiên cứu tiếp theo đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cập nhật: 26/08/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,34
  • 5.300