Đi dạo bờ sông, chàng trai phát hiện tàn tích "quái thú" 10.000 tuổi

  •  
  • 779

Chàng trai trẻ phát hiện một tảng đá lạ dọc bờ sông, đem về khoe với cha, nhưng rồi 2 cha con nhận ra đó có thể là một hóa thạch quái thú tiền sử.

Ira Johnson, 18 tuổi, một chàng trai sống ở bang Missouri (Mỹ) cho biết mình đã thường xuyên đi săn tìm kho báu cùng cha từ hồi 5 tuổi, nên luôn chú ý để tìm kiếm những điểm bất thường trên mặt đất. Kho báu thực sự đã đến với anh: một "tảng đá lạ" mà anh về khoe với cha đã được xác nhận là răng mastodon, tức "voi răng mấu", và có thể là một trong những con mastodon cuối cùng trên địa cầu.

Ảnh đồ họa mô tả voi răng mấu mastodon
Ảnh đồ họa mô tả voi răng mấu mastodon - (ảnh: WESTERN SCIENCE CENTER).

Khi Ian đem về khoe với cha, 2 cha con nghi ngờ rằng "tảng đá lạ" không chỉ là một tảng đá mà là một cái răng quái dị, nên đã gửi đi phân tích. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Iowa cho rằng con mastodon này khoảng 10.000 năm tuổi.

Hóa thạch răng của mastodon vừa được tìm thấy
Hóa thạch răng của mastodon vừa được tìm thấy - (ảnh: FOX2NOW).

Đây không phải lần đầu "di vật" của quái thú mastodon lộ diện ở khu vực này. Năm ngoái, một phần xương hàm bao gồm cả răng đã được tìm thấy ở bang Iowa lân cận, và cũng được Đại học Iowa phân tích. Người tìm được hóa thạch lần đó cũng là một thiếu niên.

Ira Johnson, chàng trai trẻ phát hiện hóa thạch "quái thú"
Ira Johnson, chàng trai trẻ phát hiện hóa thạch "quái thú" - (ảnh: FOX2NOW).

Mastodon là thành viên của chi tuyệt chủng Mammut, bộ Proboscidea, họ Mammutidae, tức những sinh vật được gọi là "ma mút" huyền thoại. Một cách hài hước, nó có tên là "voi răng mấu" nhưng không thuộc họ Voi (Elephantidae). Trong khi đó, một quái thú kỷ băng hà nổi tiếng khác là ma mút lông xoắn lại thuộc chi Voi Ma Mút của họ Voi.

Theo các nhà khoa học Mỹ, mastodon đã tồn tại ở Mỹ từ 34.000 năm trước và tuyệt chủng cách đây 10.000 năm, nên chiếc răng mà chàng trai trẻ Ira tìm được có thể là phần còn lại của một trong những cá thể cuối cùng.

Cập nhật: 24/09/2020 Theo NLĐ
  • 779