Điểm lại các dịch cúm kinh hoàng trong lịch sử

  •  
  • 2.264

Giết hại nhiều người hơn cả chiến tranh và các loại bệnh dịch khác, dịch cúm từ lâu đã là kẻ tử thù khiến nhân loại phải nhiều phen điêu đứng.

Triệu chứng do siêu vi cúm được Hippocrates, thầy thuốc nổi tiếng Hy Lạp mô tả rành mạch khoảng 2.400 năm trước. Dưới đế chế La Mã cổ đại, các sử gia cũng đã nhận biết được nhiều loại dịch cúm khác nhau.

Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ ước tính có tới 36.000 người Mỹ tử vong do dịch cúm theo mùa, gấp 10 lần số người chết trong vụ khủng bố 11/9 và gây thiệt hại đến 160 tỉ USD, gấp đôi phí tổn sau cơn bão Katrina. Virus cúm này chủ yếu gây tử vong ở người già và trẻ em, và phí tổn thiệt hại trải đều trong năm nên ít được mọi người chú ý.

Mặc dù vậy, sau vài thập kỷ, virus cúm ngày càng biến đổi và lan rộng gây nên đại dịch trên toàn cầu. Năm 1919 chứng kiến đại dịch cúm Tây Ban Nha nghiêm trọng nhất trong lịch sử trong khi dư luận đã từng lên án các phương tiện truyền thông và cho rằng tác hại của virus chỉ là sự cường điệu hoá; họ coi virus cúm không có khả năng gây tử vong hay thiệt hại lớn.

Trước sự hoành hành của dịch cúm lợn, website Popsci.com đã điểm lại những dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử dịch cúm của toàn nhân loại:

Đại dịch cúm đầu tiên của nhân loại được ghi vào lịch sử (năm 1580)

Đây được coi là trận dịch cúm đầu tiên mà con người biết tới. Dịch bắt nguồn từ châu Á, lan sang châu Phi và tấn công vào châu Âu. Theo một bài viết trên tạp chí Journal of Applied Microbiology vào năm 2001, trận dịch đã khiến các thành phố của Tây Ban Nha trở nên hoang tàn và làm chết 8.000 người tại thành Rome, Italy. 

Bức hoạ “Bệnh dịch ở Ashdod” của Nicolas Poussin. Nguồn: Wikimedia Commons


Thậm chí, dịch cúm đã lây lan mạnh tới mức dẫn đến sự ra đời của từ chỉ dịch cúm “influenza”, bắt nguồn từ cụm từ tiếng Italy “influenza del freddo”, có nghĩa là “ảnh hưởng của cảm lạnh”.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha (năm 1918 - 1919) 

Khu cách ly bệnh nhân cúm tại bệnh viện Walter Reed trong đợt dịch vào năm 1918 - 1919.


Đây là đại dịch cúm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Theo ước tính, dịch cúm đã làm chết khoảng từ 50 triệu đến 100 triệu người, trong số đó có khoảng 10% là người trẻ tuổi. Đại dịch này được giới y học xếp ngang hàng với trận dịch hạch làm chết gần hai phần ba số dân châu Âu vào giữa thế kỷ 14.

Dịch cúm châu Á vào năm 1956 - 1958

Từ năm 1956 đến 1958 là năm đánh đánh dấu dịch cúm châu Á. Tuy không gây thiệt hại lớn như dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng trước đó, nhưng dịch cúm châu Á này cũng làm chết hơn hai triệu người, trong đó có 70.000 người Mỹ. 

Một bé gái đang súc miệng với nước muối. Ảnh chụp tại bệnh viện Sagamihara, Nhật Bản khi dịch cúm bùng phát vào năm 1957.


Chủng virus gây bệnh là virus cúm loại A, H2N2 có nguồn gốc từ Nga và từng phát dịch vào năm 1889. Gây ra tỉ lệ tử vong thấp và thời gian tồn tại ngắn, cúm châu Á được coi là trận dịch không đe doạ tới nền văn minh nhân loại, nhưng lại làm phát sinh tác nhân của dịch cúm theo mùa.

Dịch cúm Hong Kong vào năm 1968 

Một nhân viên thí nghiệm đang tiêm virus cúm Hong Kong vào trứng gà.


Dịch cúm này xuất phát từ Hong Kong do virus cúm loại A, H3N2 gây ra. Theo thống kê số liệu từ website Pandemicflu, trận dịch đã cướp đi 33.800 sinh mạng người Mỹ. Con số tử vong này ít hơn so với dịch cúm theo mùa vào năm trước đó. Cúm Hong Kong phát triển từ dịch cúm châu Á trước đó, vì vậy những ai nhiễm virus cúm vào năm 1957 sẽ trở nên miễn dịch với chủng cúm năm 1968.

Dịch cúm “lạ lùng” vào năm 1976 

Tổng thống Gerald Ford tiêm vắcxin phòng cúm.


Tháng 2/1976, một quân nhân ở Fort Dix, New Jersey đã chết khi bị nhiễm virus cúm H1N1. Với lo ngại virus H1N1 có cùng chủng loại với virus gây ra đại dịch 1918 - 1919 , chính phủ Mỹ kêu gọi công dân tham gia chương trình tiêm chủng phòng dịch, một phần tư dân số nước này đã hưởng ứng lời kêu gọi. Thế nhưng, đáng buồn, cứ một người chết do nhiễm virus cúm thì lại có tới 25 người chết do biến chứng của vắcxin.

Đại dịch cúm gia cầm H5N1 vào năm 2003

Năm 2003, Hiệp hội Sức khoẻ thế giới đã công bố bốn trường hợp tử vong do nhiễm virus cúm H5N1. Không giống như chủng H5N1 khác, cúm gia cầm lần này đã làm chết 60% số bệnh nhân. 

Virus cúm H5N1 (màu vàng) trong tế bào thận của loài chó (màu xanh).


Tỷ lệ tử vong cao khiến thế giới lo ngại dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng quay trở lại. Tuy nhiên, thật may mắn khi virus cúm này đã nằm trong tầm kiểm soát. Virus khó lây lan từ người sang người mà chỉ có khả năng lây cho những ai tiếp xúc với gia cầm sống.

Theo Báo Đất Việt
  • 2.264