Diễn biến xấu về H5N1 ở châu Á và châu Âu

  •  
  • 88

Hai tin tức xấu cùng được công bố vào cuối tuần: H5N1 đã vượt biên vào lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU) và phát hiện H5N1 kháng Tamiflu ở một bệnh nhân Việt Nam.

Các nhân viên y tế đang mang ngỗng đi tiêu huỷ ở làng Ceamurlia de Jos, nơi xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1 đầu tiên ở Rumania
Hôm 15/10, Bộ Nông nghiệp Rumania thông báo kết quả xét nghiệm tại Anh đã khẳng định H5N1 - thủ phạm cướp đi sinh mạng của hơn 60 ở châu Á - đã xuất hiện ở Đông Âu, cụ thể là ở vịt hoang tại Rumania. Tuyên bố này được đưa ra một tuần sau khi H5N1 được phát hiện tại một trang trại gia cầm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới nay Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu huỷ 5.000 gia cầm.

Bộ trưởng Nông nghiệp Rumani đã kêu gọi mọi người bình tĩnh bởi mặc dù lây lan mạnh giữa gia cầm và chim song H5N1 vẫn chưa dễ lây lan giữa người và người. Vùng Đông Bắc của nước này đang bị cách ly và mọi phương tiện ra vào khu vực đều được tẩy uế. 20.000 gia cầm sẽ bị tiêu huỷ để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Trước tình hình này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra khuyến cáo: mặc dù virus chưa lây lan dễ dàng giữa người và người song H5N1 có thể đột biến thành chủng gây đại dịch ở người, khiến hàng triệu người tử vong. Theo ông Klaus Stoehr, các quốc gia chưa bị ảnh hưởng cần nhận thức rằng H5N1 sẽ lây lan rộng hơn nữa và nên chuẩn bị đối phó với dịch bệnh.

Trong một diễn biến khác, các nhà khoa học Mỹ, những người đang hợp tác với các đồng nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, thông báo hôm 14/10: virus cúm gia cầm được phân lập từ một cô gái ở Việt Nam đã kháng thuốc Tamiflu.

Cô gái 14 tuổi này đã được kê đơn Tamiflu hồi tháng 2/2005 để phòng ngừa. Mặc dù không tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm bệnh song thời điểm đó cô gái đang chăm sóc cho người anh trai 21 tuổi bị nghi nhiễm cúm gia cầm. Virus được phân lập trong cơ thể cô gái giống hệt virus ở người anh trai. Cô gái đã phục hồi song trường hợp này cho thấy có lẽ cô đã nhiễm virus từ người anh, chứ không phải trực tiếp từ gia cầm.

Gần đây, các nhà khoa học thuộc ĐH Wisconsin-Madison đã phát hiện nhiều virus thuộc hỗn hợp virus H5N1 trong mẫu bệnh phẩm của cô gái nói trên đã phát triển những đột biến gien, vô hiệu hoá Tamiflu. Và toàn bộ hỗn hợp virus H5N1 từ mẫu bệnh phẩm của cô gái cũng một phần kháng loại thuốc này. Tamiflu hay còn gọi là oseltamivir được coi là hàng rào phòng ngự đầu tiên đối với một đại dịch cúm trong tương lai. Các quốc gia trên thế giới đang chi hàng tỷ đôla để dự trữ loại thuốc này.

Theo GS Yoshihiro Kawaoka thuộc ĐH Wisconsin-Madison, phát hiện trên cho thấy các quan chức y tế cũng nên xem xét dự trữ các loại thuốc khác chẳng hạn như zanamivir - một loại thuốc kháng virus cúm thuộc thế hệ cũ hơn. Các loại thuốc giống như Tamiflu, được sử dụng kết hợp với biện pháp kiểm dịch, có thể làm chậm lại sự lây lan của virus cho tới khi thế giới sản xuất được vắc-xin. Tuy nhiên, Tamiflu và các loại thuốc kháng virus cúm khác không thể thay thế vắc-xin. Chỉ có các loại vắc-xin hiệu quả mới có thể giúp cơ thể miễn dịch với virus.

Theo các nhà nghiên cứu, chỉ nên kê đơn Tamiflu cho những bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm và phải kiểm tra virus thường xuyên để xem liệu nó có đang đột biến và ngày càng kháng các loại thuốc hay không. Họ cũng nói thêm rằng phát hiện trên không có nghĩa là các chủng H5N1 kháng thuốc sẽ lây nhiễm hiệu quả và thành công. Tuy nhiên, nghiên cứu làm cho chúng ta ý thức được rằng virus kháng thuốc là một vấn đề, từ đó có biện pháp giám sát toàn cầu.

Minh Sơn (Tổng hợp từ THX, BBC, FoxNews, Reuters)

Theo VietNamNet
  • 88