Có rất nhiều mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh truyền nhiễm. Ví dụ như nhiệt độ tăng làm cho hệ miễn dịch tự nhiên của chúng ta kém hiệu quả đi.
Lược dịch bài viết thể hiện quan điểm của cây bút Justin Worland tờ Time về mối liên hệ giữa virus corona và vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay.
Sự xuất hiện chủng virus chưa từng được biết đến như SARS-CoV-2 đã thống trị tin tức thời gian qua. Tính đến ngày 1/4, toàn thế giới có hơn 844.749 ca nhiễm, 41.443 ca tử vong vì đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, sự nguy hiểm của virus corona thực sự không gây ngạc nhiên cho những nhà khoa học nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm. Đây chỉ là một trong số nhiều mầm bệnh có khả năng gây nên tình trạng nguy hiểm khẩn cấp.
Không có bất kì bằng chứng nào cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến SARS-CoV-2 chuyển từ động vật sang người, hoặc có phải hiện trạng nóng lên toàn cầu đã góp phần giúp nó lây lan. Song, một điều khá rõ ràng, biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự gia tăng dịch bệnh gây ra bởi virus và các mầm bệnh khác trong tương lai.
SARS-CoV-2 đang khiến cả thế giới lao đao. (Ảnh: Axios).
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học biết biến đổi khí hậu sẽ thay đổi phương thức lây lan của dịch bệnh, nhưng với những tác nhân nóng lên toàn cầu hiện nay, giả thuyết này vẫn đang được tìm hiểu thêm.
Có rất nhiều mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh truyền nhiễm, nhưng chúng ta sẽ chỉ tập trung vào một kiến thức còn mới. Nhiệt độ tăng đang làm cho hệ miễn dịch tự nhiên của chúng ta kém hiệu quả đi.
Cơ thể con người là cỗ máy chống lại bệnh tật hiệu quả đáng kinh ngạc. Quá trình thích nghi đã trải qua chặng đường dài. Nhiệt độ cơ thể ấm áp có thể tự mình loại bỏ tất cả dạng xâm nhập không mong muốn.
Khi một mầm bệnh đi vào cơ thể, chúng ta bị sốt, cơ chế này làm ấm cơ thể để chống bệnh tật. Cơn sốt kích thích hệ thống miễn dịch, sức nóng tạo ra môi trường lý tưởng khiến mầm bệnh rất khó tồn tại.
Nhưng khi hành tinh ấm lên, mầm bệnh tiếp xúc môi trường có nhiệt độ nóng dần giúp chúng thích nghi và trang bị tốt hơn để tồn tại ở nhiệt độ cao, cụ thể là bên trong cơ thể con người.
Các mầm bệnh tồn tại được, sinh sản và thích nghi tốt hơn với nhiệt độ cao bao gồm cả những bệnh có sẵn trong chính cơ thể chúng ta. Hậu quả, một trong những cơ chế phòng thủ quan trọng nhất của con người đã bị giảm hiệu năng.
Khác với người, thân nhiệt của dơi khá linh động. (Ảnh: Time).
Điều này không phải là lý thuyết suông.
Năm 2019, Arturo Casadevall, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins đã cùng đồng nghiệp dẫn chứng cách “Candida auris” (loại nấm xâm nhập vào máu, dẫn đến nhiều loại bệnh) xuất hiện đồng thời trên các bệnh nhân ở 3 khu vực bị cách ly khác nhau: Nam Á, Venezuela và Nam Phi, từ giữa 2012 đến 2015.
Trong thế giới toàn cầu hóa, bệnh tật lây lan bởi những người mang mầm bệnh di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nhưng trong trường hợp này, các nhà khoa học kết luận điều kiện khí hậu thay đổi tương tự ở 3 khu vực trên có thể là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển đồng thời dịch bệnh.
Thật khó để nói ảnh hưởng này có thể lan rộng như thế nào, cũng không có lý do để nghĩ rằng nó sẽ chỉ giới hạn ở các loại nấm như Candida auris.
Các chủng virus corona đang lây lan hiện nay khác với Candida vì nhiều lý do, nhưng vật chủ trung gian của nó - loài dơi - lại cung cấp ví dụ thú vị về cách nhiệt độ ảnh hưởng đến sự lây lan của bệnh truyền nhiễm.
Cơ chế giống như con người, dơi là động vật có vú duy trì nhiệt độ cơ thể ấm áp giúp bảo vệ chúng khỏi bệnh tật. Nhưng trong khi nhiệt độ cơ thể của chúng ta nằm ở khoảng 37 độ C, tăng vài độ khi bệnh, nhiệt độ của dơi thường xuyên tăng tới hơn 40,5 độ C.
Điều này đồng nghĩa chúng có thể mang theo nhiều mầm bệnh trên người nhưng lại không bị gây bệnh. Trong tương lai gần, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, dơi sẽ tiếp tục được bảo vệ bởi thân nhiệt, trong khi mầm bệnh chúng mang theo có khả năng gây hại nhiều hơn đến chúng ta.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học nhận ra biến đổi khí hậu sẽ gây một loạt ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Ví dụ, báo cáo năm 1992 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ chỉ ra một số cách mà biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự lây lan của các dạng bệnh truyền nhiễm.
Họ cũng cho rằng tình trạng thiếu nguồn lực nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu với bệnh tật rất đáng lo lắng.
Loài người chắc chắn phải đánh đổi nhiều thứ khi biến đổi khí hậu gia tăng. (Ảnh: The Trumpet).
4 năm sau, một bài báo được dẫn chứng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cảnh báo: Biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng sự lây lan của mọi thứ từ suy dinh dưỡng đến bệnh sốt rét, qua đó kêu gọi phối hợp nghiên cứu từ các bác sĩ, nhà khí hậu học cùng giới khoa học xã hội.
Cũng trong năm đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO xuất bản cuốn sách dài 300 trang xem xét một loạt mối liên quan giữa khí hậu và sức khỏe cộng đồng, đồng thời lưu ý mối liên kết này là “phức tạp và đa yếu tố”.
Dù hiểu biết của chúng ta hiện nay đã đầy đủ hơn, nhưng chắc chắn, vẫn còn rất nhiều điều các nhà khoa học chưa biết.
Khi băng Bắc Cực tan chảy, mầm bệnh nào bị chôn vùi trong nhiều thiên niên kỷ qua được giải phóng vào bầu khí quyển? Chúng ta có thể ngăn chặn được không? Con người phải đánh đổi những gì trong cuộc chiến khắc nghiệt này?