Kết quả nghiên cứu cho thấy, người ta thường nhớ những điều xấu lâu hơn rất nhiều so với những điều tốt.
Các nhà tâm lý thuộc Trường Đại học Saint Louis (Mỹ) đã cho một nhóm sinh viên nghe những từ bằng tiếng nước ngoài diễn tả cảm xúc và sau đó đề nghị họ ghi lại những từ mình nhớ được. Kết quả số từ diễn đạt những cảm xúc tiêu cực đều được họ nhớ nhiều hơn.
Sau đó, người ta chiếu cho những người tình nguyện xem những đoạn clip nhiều tình tiết tốt xấu xen kẽ, nhiều câu nói hay dở… rồi để từng người kể lại riêng rẽ. Kết quả cũng vậy, những tình tiết tích cực, câu nói hay chỉ nhớ lờ mờ và ngược lại, chuyện dở, những câu nói tiêu cực được nhớ kỹ hơn.
Kết luận chung là, những điều xấu luôn luôn gây ấn tượng hơn, nhớ lâu hơn. Cho nên dễ hiểu là chuyện vụ án được mọi người nhớ lâu hơn chuyện “người tốt, việc tốt”. Câu tục ngữ “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” cũng thể hiện kinh nghiệm đó.
Vấn đề là, não tiếp tục xử lý thông tin sau khi xảy ra một sự kiện. Những trải nghiệm nào sâu sắc hơn sẽ được ghi lại “sâu” hơn, “đậm” hơn.
Công trình nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Medical News Today.