Đừng vội lo khi bạn không thể nhớ hết mọi thứ. Vì điều đó có nghĩa là bộ não bạn đang hoạt động tốt.
Theo một nghiên cứu mới, bộ não con người chỉ lựa chọn những sự kiện mà nó cho là đáng nhớ để lưu lại, đồng thời chủ động dẹp bỏ những sự kiện không quan trọng bằng, nhằm giảm bớt gánh nặng trong quá trình nhận thức và tránh đi sự nhầm lẫn rối ren.
Brice Kuhl tại Đại học Stanford ở California, Mỹ, và cộng sự đã sử dụng công nghệ chụp cộng hưởng từ để đo hoạt động não của 20 người khoẻ mạnh khi họ thực hiện một bài kiểm tra trí nhớ đơn giản. Những người tham gia được cho 3 cặp từ để ghi nhớ, trong đó có 2 cặp từ gần giống nhau:
Sau khi nghiền ngẫm từ "ATTIC dust" lần thứ 2, những người tham gia được yêu cầu đọc lại 3 cặp từ dựa trên đầu mối là từ đầu tiên. Nhìn chung, mọi người nhớ lại từ "ATTIC junk" kém hơn 15% so với khi nhớ lại cặp từ không liên quan "MOVIE reel".
Đối chiếu kết quả với dữ liệu chụp não, nhóm tìm thấy bộ não của những người tham gia hoạt động mạnh hơn ở khu vực chọn lọc ký ức và cả ở vùng xoá bỏ ký ức.
Các nhà nghiên cứu tin rằng vùng não đầu tiên nhận diện rằng "ATTIC dust" và "ATTIC junk" là 2 ký ức xung đột nhau. Vùng não thứ 2 đẩy lùi "ATTIC junk" bởi vì nó chỉ được nhìn một lần. Sau khi cuộc kiểm tra được lặp lại lần 2 và lần 3, hoạt động đẩy lùi giảm đi, chứng tỏ sự điều chỉnh ký ức đã được tạo ra.
"Khi nào bạn tham gia vào quá trình ghi nhớ, bộ não sẽ tự thích nghi. Nó liên tục định lượng lại các ký ức", Kuhl nói. "Một ví dụ điển hình là chúng ta dễ nhầm lẫn khi thay đổi mật khẩu trên máy tính. Đầu tiên chúng ta sẽ lẫn lộn giữa cái cũ và cái mới, nhưng sau vài lần lặp lại, chúng ta đã hình thành một ký ức mạnh mẽ cho mật khẩu mới và quên đi cái cũ".
Khi đó, quá trình quên đi trở thành một chức năng có mục đích của bộ não, các nhà nghiên cứu kết luận.
M.T.