Dùng nước tiểu, nọc độc ong... là những điều hãi hùng mà người xưa làm với người bệnh với hy vọng chữa được một số căn bệnh.
Người La Mã cổ đại dùng nước tiểu để tẩy trắng răng. Ngoài ra, nước tiểu còn được người lớn tuổi ở La Mã sử dụng để trị một số bệnh như bị loét, bỏng, bị bọ cạp cắn... Đây là một trong số những điều rùng rợn mà người xưa làm với người bệnh để điều trị bệnh tật.
Trong Kinh Thánh và một số văn bản Ấn Độ giáo đều có nhắc đến việc uống trực tiếp nước tiểu vì quan niệm đó là dòng nước "tinh khiết", "dòng nước của Chúa".
Đặc biệt, trong văn bản tiếng Phạn Damar Tantra - một nhánh khác của Ấn Độ giáo có viết về "liệu pháp nước tiểu". Trong đó, việc xoa bóp bằng nước tiểu, hay kết hợp với chế độ ăn uống riêng biệt có tác dụng trị một số căn bệnh hiểm nghèo, thậm chí là ung thư.
Văn hóa dân gian Pháp lưu truyền phương pháp trị viêm họng kỳ lạ, bằng cách ngâm tất chân vào nước tiểu, rồi quấn quanh cổ họng.
Vào thời Hy Lạp cổ đại, người dân tin rằng nọc ong có tác dụng chữa trị các bệnh liên quan tới khớp. Chính vì vậy, người ta đã sử dụng nọc độc ong để chữa cho bệnh nhân.
Vào thế kỷ thứ 4, các thầy thuốc Trung Quốc là những người đầu tiên có ý tưởng đưa phân người khỏe mạnh sấy khô qua đường miệng để điều trị cho người bị tiêu chảy nặng hoặc ngộ độc thực phẩm.
Đến thế kỷ 16, một bác sĩ Trung Quốc đã sử dụng "súp vàng". Đây là một dung dịch chứa phân khô hoặc lên men của một người khỏe mạnh để điều trị một số bệnh như: tiêu chảy nặng, nôn, sốt và táo bón.
Vào khoảng thế kỷ thứ 10, các thầy lang Đạo giáo ở Trung Quốc đã nghĩ ra cách phòng bệnh đậu mùa vô cùng đặc biệt. Theo đó, các thầy lang đã lấy vẩy sẹo của người bị bệnh (chứa mầm bệnh), cho vào một chiếc hộp kín rồi giữ ở nhiệt độ nhất định trong một thời gian để giảm độc tính, sau đó nghiền nhỏ thổi vào mũi của người khỏe chưa từng mắc bệnh đậu mùa để phòng ngừa bệnh đậu mùa.