Dùng "thiên địch" thay thuốc trừ sâu

  •   3,52
  • 18.911

Bọ xít bắt mồi trưởng thành

Bọ xít bắt mồi trưởng thành

Các nhà khoa học bộ môn Côn trùng, khoa Nông học thuộc trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội vừa thực hiện thành công quy trình nhân nuôi nhện bắt mồi có sức tấn công nhện trắng và nhện đỏ son, bọ xít bắt mồi có sức tấn công bọ trĩ.

Đây được coi là biện pháp dùng “thiên địch” phòng trừ côn trùng gây hại cây trồng, bắt đầu được thử nghiệm và mang lại hiệu quả cao về năng suất và chất lượng nông sản ở ngoại thành Hà Nội, đồng thời ứng dụng mở rộng trên diện tích đồng đất các tỉnh trong cả nước.

Hiện nay ở Việt Nam, những loài côn trùng, nhện hại như nhện đỏ son và bọ trĩ gây hại đáng kể đối với cây dưa chuột, bầu, bí, đậu, cam, chanh, bông, ớt, cà, hoa hồng và nhiều lọai cây trồng khác. Để phòng trừ nhóm sâu, nhện này, người nông dân thường phun tới gần chục lần thuốc hóa học trong một vụ trồng, song hiệu quả lại không cao, gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng tới sức khoẻ của chính họ và những người chung quanh.

Từ những thành công ban đầu

Nhìn nhận về hiệu quả thực tế của biện pháp dùng chính côn trùng tiêu diệt côn trùng này, các nhà khoa học Việt Nam phải thừa nhận đây là biện pháp “thiên địch” bảo vệ cây trồng được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Hà Lan đã đem lại cho các nước này những tiến bộ vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều công ty sinh học như công ty Koppert ở Hà Lan đã sản xuất hàng loạt nhện bắt mồi, ong ký sinh… cung cấp cho nông dân thả trên đồng ruộng và nhà kính trồng dưa chuột, ớt ngọt, cà chua, dâu tây, đậu đỗ, bông, hoa hồng... mang lại hiệu quả cao trong phòng trừ nhện đỏ, rệp muội và bọ phấn. Các sản phẩm rau, quả và hoa rất an toàn mà người nông dân Hà Lan không phải dùng tới bất cứ loại thuốc hóa học nào, một thời từng là niềm mơ ước của các nhà khoa học Việt Nam.

Nhện bắt mồi trưởng thành
Nhện bắt mồi trưởng thành

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, người từng có thời gian công tác và học tập ở “đất nước hoa tuylip” cho biết, công ty sinh học chuyên nhân nuôi nhện bắt mồi bán cho nông dân. Tùy theo diện tích và số lượng cây và mật độ nhện hại mà đưa vào số lượng nhện bắt mồi tương ứng để khống chế số lượng nhện gây hại.

Tận dụng những điều kiện tự nhiên trong trồng trọt ở nước ta, từ hai năm nay, các nhà khoa học trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội thực hiện nhân nuôi nhện và bọ xít bắt mồi. Qua điều tra cho thấy, loài nhện bắt mồi Amblyseius sp. xuất hiện rất phổ biến trên các cây trồng bị nhện nhỏ gây hại ở Việt Nam, kết quả nhân nuôi trong phòng thí nghiệm và ngoài đồng đều cho thấy loài này có tỷ lệ tăng tự nhiên cao, có sức ăn nhện hại lớn và hoàn toàn có khả năng khống chế số lượng nhện đỏ gây hại ngoài tự nhiên. Đặc biệt, việc nhân nuôi nhện bắt mồi lại rất thuận lợi với khí hậu miền bắc, từ tháng 2 cho tới tháng 11 hàng năm.

Phòng nhân nuôi nhện nằm tạm trong khu thí nghiệm của bộ môn Côn trùng. Quy trình nhân nuôi nhện bắt mồi do phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh, chủ nhiệm khoa Nông học và nhóm nghiên cứu thực hiện. Cụ thể là, trước đó phải gieo trồng đậu trong môi trường sạch. Thức ăn thích hợp nhất để nhân nuôi nhện bắt mồi là nhện đỏ son. Khi đậu ra đủ sáu lá thì thả nhện đỏ son vào với tỷ lệ 10 con trưởng thành/cây. Khi số lượng nhện đỏ nhiều, khoảng 500 con/cây mới thả nhện bắt mồi vào, mỗi cây từ 2-3 con.

Thử nghiệm bọ xít bắt mồi trong phòng bọ trĩ hại dưa chuột
Thử nghiệm bọ xít bắt mồi trong phòng bọ trĩ hại dưa chuột

Chỉ sau bảy đến tám tuần số lượng nhện bắt mồi đã tăng lên gấp 13 lần so với mật độ thả ban đầu, khi đó mới đưa cả nhện bắt mồi và thức ăn của nó tới những khu vực trồng rau, mầu cần phải bảo vệ. Để nhện bắt mồi sinh trưởng và phát triển nhanh trong môi trường có ít nhện đỏ, các nhà khoa học đã sử dụng cả nhện trắng và một vài loại thức ăn khác như phấn hoa, mật ong để thay thế, giúp cho nhện bắt mồi duy trì sự sống trong thời gian bảo quản và vận chuyển.

Bọ xít bắt mồi có nhiều loài đang được một số nước trên thế giới nghiên cứu, là thiên địch của nhiều loài côn trùng gây hại. Tại Việt Nam, nhóm các nhà khoa học cũng tiến hành nhân nuôi bọ xít bắt mồi Orius Sauteri để tiêu diệt bọ trĩ có kích thước nhỏ gây hại trên cà tím, bầu, bí xanh, đậu đỗ, dưa chuột, khoai tây... Bọ xít bắt mồi trưởng thành dài chừng 1,73-1,9 mm. Thành công trong việc nhân nuôi bọ xít bắt mồi chỉ là một trong rất nhiều đóng góp của không chỉ Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Hà Quang Hùng trong gần 40 năm giảng dạy và nghiên cứu mà còn của nhiều thầy cô giáo bộ môn Côn trùng. Thầy Hùng được coi là nhà Côn trùng học có tiếng không chỉ bởi chức vụ là Tổng Thư ký Hội Côn trùng học Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam, mà còn bởi ông là tác giả của nhiều công trình khoa học có giá trị thực tiễn.

Thả nhện bắt mồi vào ruộng trồng cây đậu
Thả nhện bắt mồi vào ruộng trồng cây đậu

Lần đầu tiên, người nông dân trồng dưa chuột ở xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội đưa bọ xít bắt mồi vào khống chế số lượng bọ trĩ, làm số lượng bọ trĩ không tăng vượt quá ngưỡng gây hại. Trong khi trước đó, cả cánh đồng dưa chuột người nông dân phải phun thuốc ít nhất tám lần, có khi lên tới 13 lần trong một vụ để phòng trừ bọ trĩ. Những quả bí xanh, dưa chuột bị “thắt eo”, cong queo đều do bọ trĩ tấn công. Sản lượng dưa chuột đạt 208kg/sào nếu thả bọ xít, bằng với phun thuốc trừ sâu. Chi phí cho việc dùng bọ xít bắt mồi tương đương với mua thuốc bảo vệ thực vật nhưng người trồng cây tỏ ra an tâm hơn với dùng bọ xít vì bảo đảm sức khỏe và môi trường sinh thái.

Trên ruộng dưa chuột của ông Nguyễn Văn Hùng ở Hợp tác xã Đặng Xá, cũng thuộc huyện Gia Lâm, trước đây ông thường xuyên phải phun thuốc hóa học cho cây với chi phí khoảng hơn 130.000 đồng một sào. Ông Hùng cho biết, khi đưa bọ xít bắt mồi để kiểm soát bọ trĩ ở ruộng thì năng suất quả không kém hơn vụ trước, mà lại được công nhận là rau sạch nên giá bán được cao hơn.

Hướng tới sản phẩm nông nghiệp sạch

Từ hai năm qua, nhóm các nhà khoa học thực hiện nhân nuôi các loài “thiên địch” một cách thủ công trong điều kiện tự nhiên, không cần sự hỗ trợ của nhiều thiết bị. Mong muốn của các nhà khoa học là không chỉ dừng lại ở một đề tài khoa học đã được Bộ Khoa học Công nghệ đánh giá cao mà phải phát triển những hiệu quả mà nó mang lại trên đồng ruộng Việt Nam.

So với cách phun thuốc trừ sâu, việc sử dụng “thiên địch” dường như còn mới mẻ và lạ lẫm với bà con nông dân ở nước ta. Hiện có một số công ty đồng ý nhận làm “đại lý” tiêu thụ sản phẩm đặc biệt này. Trong khi đó, số lượng nhện và bọ xít bắt mồi được nhân nuôi không đáp ứng đủ nhu cầu bảo vệ cây trồng rất lớn hiện nay. Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội đang có kế hoạch đầu tư mở rộng phòng nhân nuôi với trang thiết bị hiện đại để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn quy trình nhân nuôi và thiết lập “dây chuyền” sản xuất đồng bộ và liên hoàn. Theo giáo sư, tiến sĩ Hà Quang Hùng, nếu cơ sở hạ tầng cho việc nhân nuôi được bảo đảm, thì cứ 19-20

Quả bí xanh cong queo do bị bọ trĩ tấn công
Quả bí xanh cong queo do bị bọ trĩ tấn công
ngày có thể “xuất” một đợt nhện hay bọ xít bắt mồi đưa xuống đồng ruộng.

Giáo sư Hùng có thói quen là vào những lần đi công tác, bao giờ ông cũng dành thời gian “thăm” đồng ruộng kết hợp “giảng bài” cho các học viên. Trong các buổi “lên lớp”, đối với ông và các nhà khoa học, việc giới thiệu phương pháp mới, dùng “thiên địch” bảo vệ cây trồng cho bà con nông dân dường như đã trở thành trách nhiệm của họ. Tất nhiên, trước khi thực hiện áp dụng với mỗi hộ nông dân, các nhà khoa học phải đi khảo sát, điều tra kỹ lưỡng trên ruộng, đánh giá khả năng phát tán, diễn biến của côn trùng gây hại, sau đó đánh giá, dự báo nguy cơ dịch hại. Việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giúp người nông dân có các biện pháp cụ thể quản lý dịch hại hay phòng trừ tổng hợp.

Trong tương lai, việc phát triển nhân nuôi các loài nhện và bọ xít bắt mồi sẽ giúp cho giá thành sản phẩm phù hợp với túi tiền của bà con và phải hạ thấp hơn so với chi phí mua thuốc trừ sâu. Nói về việc khuyến khích người nông dân dùng biện pháp này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Kim Oanh nhấn mạnh: “Khi mua “thiên địch” phòng trừ sâu hại, người nông dân phải được nhà cung cấp cam kết “bảo hiểm” cho sản phẩm cây trồng của họ. Đồng thời có kế hoạch hướng dẫn kỹ thuật cho họ sử dụng hiệu quả trên đồng ruộng”.

Nhện bắt mồi có khả năng sống sót cao khi bảo quản trong hộp nhựa có thể tích 10ml, cùng với chất độn là bột lõi ngô và thức ăn, rất tiện lợi cho quá trình đưa chúng ra đồng ruộng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đang tìm kiếm những phương pháp tối ưu để bảo quản, vận chuyển các loài “thiên địch” đến đồng ruộng, tới tận tay nông dân. Đáng chú ý là, việc sử dụng nhện, bọ xít bắt mồi để phòng trừ nhện và bọ trĩ gây hại rất thích hợp với cây trồng trong nhà lưới, nhà kính vì ở môi trường đó có ít kẻ thù tự nhiên và không gian được giới hạn.

Được biết, nếu “dây chuyền” nhân nuôi nhện và bọ xít bắt mồi hoàn thiện, các nhà khoa học sẽ hợp tác với các chi cục Bảo vệ thực vật các địa phương áp dụng vào các khu vực trồng rau an toàn. Công ty kinh doanh phát triển rau sạch ở Hà Nội do anh Siber, người Hà Lan làm giám đốc cũng sẽ là khách hàng thường xuyên mua sản phẩm để cung cấp cho những ruộng trồng rau sạch ở hai thôn Tằng My và Nam Hồng ở huyện Đông Anh. Sản lượng rau sạch ở đây sau khi thu hoạch được công ty đem xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Từ thành công của quy trình nhân nuôi nhện bắt mồi và bọ xít bắt mồi, các nhà khoa học của trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội sẽ tiến hành nghiên cứu nhân nuôi những loài côn trùng và nhện bắt mồi khác như bọ xít cổ ngỗng bắt mồi (ăn sâu non của bộ cánh vẩy gây hại nhiều trên rau)...

Nhiều kỹ thuật cải tiến đã được áp dụng như IPM, nhà có mái che dần từng bước đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về rau an toàn của người tiêu dùng. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ thế giới, việc sử dụng các loại thuốc hóa học trong phòng trừ côn trùng, nhện gây hại càng cần được hạn chế tới mức thấp nhất và biện pháp sinh học hoàn toàn phải được coi trọng đầu tư để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sạch và ổn định.

Trà My

Theo Nhân dân
  • 3,52
  • 18.911