Chương trình hợp tác khu vực về quản lý môi trường vùng biển Đông Á (FEMSEA) cam kết hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật cũng như tài chính trong việc thực hiện quản lý tổng hợp đới bờ tại Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện tốt cam kết về chiến lược phát triển bền vững vùng biển Đông Á.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Hợp tác và đầu tư-tài chính bền vững để thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn 2020" do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 31-3, tại Hà Nội.
FEMSEA cam kết hỗ trợ Việt Nam thành lập trung tâm đào tạo về quản lý tổng hợp đới bờ, tổ chức các khóa học nâng cao kỹ năng quản lý về biển cho các nhà quản lý, cán bộ chuyên trách, nâng cao nhận thức cộng đồng. FEMSEA còn tư vấn giúp Việt Nam xây dựng chính sách, cơ chế vận hành về quản lý tổng hợp đới bờ và nhân rộng mô hình ra các địa phương khác.
Đặc biệt, FEMSEA giúp Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế; chuyển giao kinh nghiệm trong việc thu hút các nhà tài trợ đầu tư cho bảo vệ môi trường và thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững khu vực biển Đông Á.
Ông Nguyễn Minh Sơn, chuyên gia của Dự án Quản lý tổng hợp đới bờ, cho rằng Việt Nam đang gặp phải những cản trở và hạn chế trong phát triển cơ sở hạ tầng môi trường, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, suy giảm tài nguyên nước, không quản lý được chất thải, dễ dẫn đến bị tổn thương về người và của do thiên tai và sự cố môi trường gây ra.
Việt Nam thiếu chính sách thích hợp thu hút sự đầu tư của cộng đồng và khối doanh nghiệp, tư nhân vào cơ sở hạ tầng môi trường; thiếu hợp lý trong các chương trình, dự án đầu tư môi trường. Bên cạnh đó, hiệu lực của các quy định pháp lý về kiểm soát ô nhiễm, đầu tư cho môi trường chưa cao, thiếu tài chính trong việc xây dựng và thực hiện các dự án về nước, chất thải và hệ thống xử lý chất thải tại địa phương.