Gắn cảm biến tí hon lên ong mật

  •  
  • 591

Hàng nghìn con ong mật ở Australia sẽ được các nhà khoa học dán miếng cảm biến để theo dõi chuyển động và ngăn chặn bệnh dịch.

>>> Huấn luyện ong phát hiện bệnh ung thư

Theo Reuters, các cảm biến nhỏ nặng khoảng 5mg và có kích cỡ khoảng 2,5mm2 sẽ được dán lên đàn ong sau khi chúng ngủ bằng cách làm lạnh. Ong nhỏ sẽ được cạo bỏ bớt phần lông tơ trước khi dán bộ phận cảm biến.

Các cảm biến nhận dạng tần số vô tuyến có hình thức hoạt động như thẻ điện tử kiểm soát an ninh dành cho xe ô tô. Khi gắn lên đàn ong, cảm biến sẽ ghi lại đường đi chuyển của loài côn trùng này, từ đó giúp các nhà khoa học thiết lập hình ảnh ba chiều về hoạt động của bầy ong.

Gắn cảm biến tí hon lên ong mật
Cảm biến tí hon gắn trên ong mật sẽ góp phần hạn chế tình trạng ong biến mất khỏi tổ và ngăn chặn ảnh hưởng của các loài ký sinh. (Ảnh: CSIRO)

Nhóm chuyên gia thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) và cơ quan khoa học quốc gia Australia cho hay, khi gắn cảm biến lên đàn ong, các nhà nghiên cứu và người nông dân sẽ hạn chế được tình trạng biến mất một cách bí ẩn của bầy ong và kiểm soát tác động của các loại ký sinh như varroa mite đối với chúng. Đây được coi là nguyên nhân làm giảm đáng kể số lượng ong trong thời gian qua.

Ong là loài có vai trò quan trọng trong quá trình thụ phấn và góp phần làm tăng năng suất của nhiều loại cây trồng. Do đó nghiên cứu này được kỳ vọng có thể hỗ trợ người nông dân bảo vệ các vườn cây trồng của họ.

Theo dự kiến, các bộ phận cảm biến tí hon sẽ được gắn lên khoảng 5.000 con ong ở vùng Tasmania vào mùa hè tới. Các nhà khoa học đang chế tạo các bộ cảm biến có kích thước khoảng 1mm2 để có thể gắn lên các loài côn trùng nhỏ hơn như muỗi.

Theo VNE
  • 591