Giải đáp bí ẩn đằng sau con ếch độc bậc nhất thế giới

  •   32
  • 3.513

Bí ẩn đằng sau loài ếch mang trong mình một trong những độc tố mạnh nhất thế giới đã được làm rõ.

Để chọn ra một sinh vật có nọc độc ghê gớm nhất Trái đất quả thực là rất khó, vì chúng ta có quá nhiều ứng cử viên với khả năng giết hàng chục người chỉ với vài gram độc chất.

Nhưng nếu để xếp vào danh sách, chắc chắn loài ếch độc hoàng kim (golden poison frog - Phyllobates terribilis) của Colombia phải có mặt. Dù có vẻ ngoài khá vô hại, nhưng bên dưới lớp da vàng óng của nó là batrachotoxin - loại độc dược có thể giết 10 người chỉ sau vỏn vẹn 10 phút.

Ếch độc hoàng kim.
Ếch độc hoàng kim.

Batratoxin khi vào mạch máu có thể khiến các kênh vận chuyển muối trong tế bào mở rộng vĩnh viễn, qua đó ngăn cản khả năng truyền tín hiệu từ não bộ đến các cơ. Kết quả, một số bộ phận quan trọng như tim sẽ bị suy nhược trầm trọng và gây tử vong. Đáng sợ hơn, chỉ có duy nhất một loài rắn có thể kháng lại batrachotoxin, và hiện vẫn chưa hề có thuốc giải độc.

Có điều, ếch hoàng kim không tự tạo ra độc, mà tổng hợp nó nhờ vào thức ăn ngoài tự nhiên. Bằng chứng là khi chuyển vào môi trường nuôi nhốt, chúng trở nên thực sự vô hại như những con ếch bình thường.

Ếch hoàng kim không tự tạo ra độc, mà tổng hợp nó nhờ vào thức ăn ngoài tự nhiên.
Ếch hoàng kim không tự tạo ra độc, mà tổng hợp nó nhờ vào thức ăn ngoài tự nhiên.

Vậy câu hỏi là bằng cách nào loài ếch này có thể sống sót khi mang trong mình loại độc tố kinh khủng bậc nhất thế giới như vậy? Câu hỏi này đã làm đau đầu các chuyên gia một thời gian dài, cho đến khi nhóm nghiên cứu từ ĐH bang New York (SUNY, Mỹ) đưa ra được kết luận gần đây.

Cụ thể, các chuyên gia đặt giả thuyết rằng ếch hoàng kim cũng giống như cá nóc Nhật Bản. Loài cá này cũng tự tổng hợp độc tố tetrodotoxin có tác dụng tương tự, nhưng cơ thể lại sở hữu một loại amino acid đột biến, cho phép chúng tự miễn dịch với độc tố.

Vậy nên, 2 nhà nghiên cứu Sho-Ya Wang và Ging Kuo Wang đã nghiên cứu các amino axit có trong loài ếch này. Bằng cách sử dụng chuột, họ thử nghiệm thay thế lần lượt 5 loại amino axit tự nhiên bằng acid có trong ếch. Cuối cùng, họ xác định được axit mang mã N1584T có thể giúp chuột kháng lại độc hoàn toàn.

Cơ chế gây độc của ếch hoàng kim cũng giống với cá nóc Nhật.
Cơ chế gây độc của ếch hoàng kim cũng giống với cá nóc Nhật.

Theo nhóm nghiên cứu của SUNY, nghiên cứu này không nhằm mục đích giúp chúng ta tìm ra thuốc giải độc. Vì ngay như độc cá nóc hiện vẫn chưa có thuốc giải, dù cơ chế miễn dịch của nó đã được tìm ra từ rất lâu.

Thay vào đó, mục đích của nghiên cứu chỉ đơn giản là bổ sung thêm hiểu biết về loài ếch này, nhằm bảo vệ nó trước tác động của tự nhiên và con người. Được biết, loài ếch này đang rơi vào tình trạng nguy cấp do môi trường sống bị thu hẹp.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PNAS.

Cập nhật: 06/09/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 32
  • 3.513