Giải mã bí ẩn đáng sợ trong kim tự tháp Ai Cập: Lăng mộ trống hoác, xác ướp đã "đi đâu"?

  •  
  • 3.169

Kim tự tháp Ai Cập có thật sự được sử dụng làm lăng mộ như chúng ta vẫn biết tới?

Kim tự tháp Ai Cập là những công trình kiến trúc vĩ đại bậc nhất xuất hiện từ 4.500 năm trước. Theo Reuters, tính đến năm 2008, người ta đã ghi nhận 118 - 138 kim tự tháp tại Ai Cập. Ngành khảo cổ học cho rằng những kim tự tháp này được xây lên để làm lăng mộ cho các pharaoh.

Vậy, một câu hỏi đơn giản được đặt ra là: Có bao nhiêu xác ướp pharaoh được tìm thấy trong các kim tự tháp? Câu trả lời là "Không"!

Không có xác ướp nguyên vẹn của bất kỳ pharaoh nào từng được tìm thấy trong các kim tự tháp. Theo tạp chí khoa học Ancient, thứ duy nhất các nhà khảo cổ từng tìm được là một bàn chân, được xác định là của pharaoh Djoser, trong kim tự tháp dành riêng cho ông.

Chưa ai từng tìm thấy xác của Khufu trong Đại kim tự tháp Giza, không có thi hài pharaoh Sneferu trong Kim tự tháp Đỏ. Tương tự, xác ướp của Pharaoh Khafre và Menkaure cũng đang mất tích.

Vậy những xác ướp này đã đi đâu và kim tự tháp có thật sự được sử dụng làm lăng mộ như chúng ta vẫn biết tới?

Xác ướp "đi đâu"?

Djoser (2686 - 2648 TCN) là vị pharaoh đầu tiên xây dựng kim tự tháp tại Ai Cập. Các nhà khảo cổ cho rằng ông được chôn cất trong một cỗ quan tài đặt tại kim tự tháp bậc thang ở Saqqara, Giza, Ai Cập. Tuy nhiên, phòng chôn cất của ông được tìm thấy trong tình trạng trống rỗng, chỉ còn lại một vài món đồ.

Năm 1934, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một bàn chân trái xác ướp trong hầm mộ của ông, đến nay vẫn chưa thể xác định rõ đó có phải là phần thi thể của Djoser hay không.

Có lẽ những kẻ mộ tặc đã đánh cắp thi thể nhà vua và bỏ quên... một bàn chân
Có lẽ những kẻ mộ tặc đã đánh cắp thi thể nhà vua và bỏ quên... một bàn chân. (Hình minh họa: Internet).

Giả thuyết phổ biến nhất là những kẻ trộm mộ cổ đã đột nhập vào Kim tự tháp Djoser và trộm sạch mọi thứ. Trong trường hợp chôn cất hoàng gia, những đồ trang sức đắt tiền cũng được quấn giữa các dải băng ướp xác, điều này giải thích tại sao các mộ tặc không chỉ đánh cắp vật có giá trị mà còn "mang về nhà" cả thi thể các pharaoh.

Một "kho báu công khai" như các kim tự tháp là sức hấp dẫn không thể phủ nhận với những kẻ trộm mộ. Cướp lăng mộ đã được công nhận là một vấn đề nghiêm trọng ngay từ thời kỳ đầu Công nguyên (khoảng 3150 - 2613 TCN) ở Ai Cập.

Những Đại kim tự tháp và Kim tự tháp Đỏ vĩ đại vẫn đứng vững trước thời gian nhưng không còn kho báu và thi thể pharaoh nào có còn lại.

Nhiều cái bẫy được đặt trong các hầm mộ, những lời nguyền xuất hiện trên các bức tường để khơi dậy nỗi sợ hãi của những tên trộm, nhưng rõ ràng điều đó là không đủ để kiềm chế cám dỗ về một cuộc sống giàu sang.

Nhà Ai Cập học David P. Silverman cho biết: "Quan tài mạ vàng, bùa hộ mệnh bằng đá quý, đồ tạo tác ngoại nhập đều quá hấp dẫn đối với những tên trộm". 

"Khi người ướp xác bắt đầu đưa bùa hộ mệnh, đá quý, vàng bạc vào trong bọc xác ướp, thi hài của người quá cố cũng sẽ bị đe dọa. Những tên cướp có thể đã tấn công các lăng mộ hoàng gia ngay sau lễ tang của nhà vua. Thậm chí còn có bằng chứng về sự tiếp tay của những người làm nhiệm vụ bảo vệ lăng mộ" - Ông nói thêm.

Những vụ trộm mộ trong kim tự tháp phổ biến tới mức đến thời kỳ Tân Vương quốc (1570 TCN - 1069 TCN), các vị pharaoh đã dần chuyển sang chôn cất tại những nghĩa trang kín đáo hơn như Thung lũng các vị vua tọa lạc bên bờ tây sông Nile.

Những căn phòng "vô hình"

Vị pharaoh tiếp theo sau Djoser chính là Sneferu, ông là người sáng lập vương triều thứ tư trong thời kỳ Cổ Vương quốc (2686 - 2181 TCN). Các nhà khảo cổ tin rằng xác ướp của Pharaoh Sneferu được đặt trong một hầm chôn cất dưới Kim tự tháp Đỏ.

Tuy nhiên, hài cốt của vua Sneferu vẫn chưa được tìm thấy.

Nhà nghiên cứu J.P Lepre, tác giả cuốn The Egyptian Pyramids: A Comprehensive, cho rằng, cỗ quan tài và xác ướp của vị vua vẫn ẩn giấu trong cấu trúc bí ẩn của kim tự tháp.

"Kim tự tháp Đỏ nhiều khả năng chứa những căn phòng bí mật, một trong số đó có thể là phòng chôn cất thực sự của Pharaoh Sneferu".

Bên trong các kim tự tháp, nhiều căn phòng được xác định là "vô hình" vì không thể tìm thấy lối vào. Ngày nay, những căn phòng này đang dần hiện lên nhờ ứng dụng những phương pháp hiện đại.

Năm 2016, một dự án quốc tế mang tên ScanPyramids đã sử dụng phương pháp nhiệt ký hồng ngoại và kỹ thuật dựng hình ảnh dựa trên sự chuyển động của các hạt muon để khám phá cấu trúc bên trong Đại kim tự tháp Giza.

Ảnh minh họa 3D cho thấy kiến trúc bên trong Kim tự tháp Khufu.
Ảnh minh họa 3D cho thấy kiến trúc bên trong Kim tự tháp Khufu. (Ảnh: ScanPyramids).

Theo Livecience, các chuyên gia của dự án đã tuyên bố phát hiện ra hai khoảng trống chưa được biết tới trong kim tự tháp lớn nhất Ai Cập. Khoảng trống này có thể là dấu hiệu của hầm chôn cất Pharaoh Khufu, hoặc đơn giản là khẳng định có rất nhiều "căn phòng vô hình" mà chúng ta chưa biết tới trong các kim tự tháp.

Tuy nhiên với năng lực khoa học hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể chạm tới những 'căn phòng vô hình' này.

Một giả thuyết gây tranh cãi khác cho rằng: Kim tự tháp vốn dĩ không được xây dựng với mục đích chôn cất mà chỉ là những tượng đài tượng trưng, nhằm thần thánh hóa cái chết của các pharaoh. 

Để củng cố cho giả thuyết này, người ta đưa ra những lý luận: Cỗ quan tài trong kim tự tháp Khufu là quá nhỏ để chứa hài cốt người và căn phòng chôn cất của ông cũng quá đơn sơ, trang trí cẩu thả chứ không bề thế như bên ngoài.

Tuy nhiên, nhận định này không quá phổ biến trong giới khảo cổ.

Phòng chôn cất và quan tài đá trong Kim tự tháp Khufu bị cho là quá đơn giản.
Phòng chôn cất và quan tài đá trong Kim tự tháp Khufu bị cho là quá đơn giản. (Ảnh gốc: Ancient Egypt Online).

Vậy rốt cuộc, xác ướp đã đi đâu?

Có thể những xác ướp đã bị mộ tặc lấy đi, có thể các pharaoh vẫn ẩn nấp trong cấu trúc kỳ bí của những kim tự tháp hoặc họ đã được cải táng ở một hầm mộ nào đó!

Đây sẽ là câu hỏi của tương lai, khi khoa học - công nghệ đủ phát triển để con người khám phá những công trình vĩ đại mà không gây tổn hại đến giá trị thiêng liêng của chúng.

Cập nhật: 23/08/2020 Theo Phapluatbandoc
  • 3.169