Bụi Mặt trăng được các phi hành gia Apollo 11 đem về Trái đất. Bụi được cho gián ăn và thải ra. Cả gián và bụi được lưu giữ từ năm 1969 đến nay được đem ra bán đấu giá.
Tổ chức đấu giá RR Auction cho biết đây là mẫu vật "cực kỳ hiếm" và sẽ được đem đấu giá từ ngày 26 tháng 5 đến 23 tháng 6. Bụi Mặt trăng thì có thể hình dung được, nhưng tại sao nó lại được cho gián ăn và thu thập chất thải?
Tại sao bụi Mặt trăng lại được cho gián ăn và thu thập chất thải?
Chuyện bắt đầu từ sứ mạng đổ bộ Mặt trăng đầu tiên của con người - Apollo 11. Các nhà sinh học lo ngại rằng vi trùng ngoài hành tinh hay "bọ Mặt trăng" có thể vô tình được đem về Trái đất dù họ chắc chắn Mặt trăng không có sự sống. Vì vậy, cả phi hành gia lẫn tàu vũ trụ sau khi thực hiện sứ mạng và trở về Trái đất đều được cho cách ly 21 ngày tính từ khi họ rời Mặt trăng.
Vì vậy, tại phòng thí nghiệm Lundar Receiving Lab, NASA đã xây dựng một cơ sở cách ly người về từ Mặt trăng và vật chất từ thế giới bên ngoài. Các phi hành gia phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra y tế. Đồng thời, một loạt các loại sinh vật từ cá đến chuột và cả gián được cho tiếp xúc với đá bụi Mặt trăng để quan sát phản ứng. Apollo 11 đem về khoảng 22kg đá Mặt trăng, trong đó 10% là bụi được đem ra thử nghiệm với động vật. Bụi được cho cá và côn trùng ăn, đây cũng là một dạng thử nghiệm phá hủy tức bụi được cho sẽ bị tiêu hóa và biến mất.
Ai cũng nghĩ sẽ không còn cơ hội được thấy bụi Mặt trăng nữa, ngoại trừ Marion Brooks - một nhà côn trùng học tại đại học St. Paul. Brooks khi đó được NASA thuê để nghiên cứu sâu hơn về loài gián đã cho ăn bụi Mặt trăng. Mặc dù thời gian cách ly đã hết, không có người lẫn động vật chết sau khi tiếp xúc với vật chất từ Mặt trăng nhưng NASA vẫn muốn hiểu rõ hơn về mọi tác động xấu có thể gây ra bởi vật chất ngoài hành tinh.
10% bụi Mặt trăng được đem ra thử nghiệm với động vật.
Brooks là người đầu tiên được tin tưởng giao cho mẫu vật Mặt trăng nhưng chúng nằm trong bụng của 8 con gián đã được bảo quản. Bà cho biết dù có thể nhìn thấy bụi Mặt trăng bên trong cũng con gián này bằng mắt thường nhưng Brooks đã mổ lấy mô để nghiên cứu dưới kính hiển vi. Những con gián được cho ăn chế độ nửa này nửa kia gồm bụi Mặt trăng và thức ăn thông thường. Bên cạnh đó, bà cũng nghiên cứu bụi Mặt trăng đã được ăn và thải ra bởi gián và được tiệt trùng.
Bà Brooks treo toàn bộ những vật lưu niệm này trên tường nhà và để vậy suốt nhiều năm.
Dù không tìm thấy tác nhân lây nhiễm, đất Mặt trăng không độc hại hay gây nguy hiểm cho loài gián nhưng Brooks vẫn tiếp tục các nghiên cứu của mình. Bà giữ lại các mô gián và xác gián. Năm 1986, bà Brooks nghỉ hưu nhưng trước khi rời đại học St. Paul, bà đã đem tất cả tài liệu nghiên cứu gồm các mô gián, một mẫu tin được cắt ra từ bài báo nói về nghiên cứu của bà, một tấm bưu thiếp của Trung tâm tàu vũ trụ có người lái (giờ là trung tâm không gian Johnson) tại Houston, một bản sao của tấm thẻ được tàu Apollo 11 để lại trên Mặt trăng và một phong bì có dán tem, tất cả được bà sắp xếp trên một tấm bảng. Ở trung tâm, bà đã đặt một chiếc lọ chứa bụi mịn Mặt trăng lấy từ các thí nghiệm sinh học và 3 con gián Đức (Blattella germanica). Bà treo toàn bộ những vật lưu niệm này trên tường nhà và để vậy suốt nhiều năm. Bà Brooks qua đời tại nhà riêng vào năm 2007, thọ 89 tuổi.
Năm nay, lọ chứa khoảng 40 miligram bụi Mặt trăng từ bộ sưu tập của Brooks được đem đấu giá.
3 năm sau, những mẫu vật này được đem trưng bày, 2 hộp chứa các slide hiển vi được lấy từ những con gián đã được cho ăn bụi Mặt trăng và 66 slide khác đã được bán đấu giá với mức giá 10 ngàn đô bởi công ty đấu giá Regency-Superior Galleries ở Beverly Hills, California. Năm nay, lọ chứa khoảng 40 miligram bụi Mặt trăng từ bộ sưu tập của Brooks được đem đấu giá.
Chỉ mới hồi tháng 4, một mẫu bụi Mặt trăng rất nhỏ, quá nhỏ để có thể cân đã được bán đấu giá đến 504375 đô. 3 hòn đá nhỏ tổng trọng lượng 0,2 gram, được đem về từ Mặt trăng bởi tàu thăm dò Luna 16 của Liên Xô đã được bán đấu giá đến 855 ngàn đô vào năm 2018. Vì vậy, đơn vị đấu giá RR Auction ước tính bộ mẫu vật của Brooks bao gồm mẫu trưng bày đã được bán trước đó (giờ được bán lại) kèm lọ bụi Mặt trăng sẽ được bán với giá 400 ngàn đô, giá đấu khởi điểm từ 10 ngàn đô.