Ngày 07/12/2006, phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố dự thảo kết quả rà soát giấy phép kinh doanh (GPKD) các loại.Trong 37 GP mà VCCI thực hiện nghiên cứu, rà soát, có 4 GP thuộc lĩnh vực CNTT-TT và cả 4 đều có vấn đề.
Bối cảnh
GPKD và cải cách hệ thống GPKD là chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp (DN), chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý của VN. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thời gian qua cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách triệt để thủ tục hành chính và GPKD. Thủ Tướng đã yêu cầu các cơ quan hữu quan nhanh chóng rà soát toàn bộ hệ thống GP hiện hành và trình kết quả lên Chính Phủ và Quốc Hội.
Có thể thấy rằng, các cơ quan chức năng vẫn đề ra mục tiêu cải tổ hệ thống GPKD nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Tiến sỹ luật Thu Trang, ban Pháp Chế VCCI cho rằng, điều cốt lõi ở đây là thiếu sự quan tâm đầy đủ của tất cả các chủ thể. Về phía cộng đồng DN, mỗi DN chỉ đấu tranh cho từng GP liên quan trực tiếp đến mình. Còn phía Nhà Nước, cho dù GP ở cấp độ nào đều do các bộ soạn thảo, mà việc yêu cầu các bộ cải cách hệ thống GPKD của chính mình là điều rất khó khăn.
Để cải cách GPKD hiệu quả, cách tiếp cận phù hợp trong thời điểm này là tác động cụ thể và trực tiếp đến từng loại GP nhất định. Cách thức này tuy không mang lại những cải cách đột phá và lâu dài nhưng có thể là "bộ lọc" tốt để cải thiện từng trường hợp trước khi có một cơ chế hoàn toàn mới trong quản lý GP ở VN. Theo hướng tiếp cận như vậy, VCCI đã phối hợp với tổ chức Phát Triển Liên Hiệp Quốc UNDP nghiên cứu, rà soát 37 loại GPKD đang có hiệu lực áp dụng, trong đó có 4 GP thuộc lĩnh vực CNTT-TT là:
(1) Giấy chứng nhận đăng ký KD và các điều kiện KD đại lý Internet;
(2) Văn bản đồng ý về nội dung, kịch bản trò chơi trực tuyến;
(3) Văn bản xác nhận đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ (đối với DN cung cấp trò chơi trực tuyến);
(4) GP cung cấp dịch vụ (DV) ứng dụng Internet đối với nhà cung cấp DV ứng dụng Internet (OSP) bưu chính, viễn thông.
Việc rà soát này nhằm phát hiện những bất cập của một số GP hiện hành và đề xuất giải pháp xử lý tương ứng.
Hiện trạng 4 GPKD thuộc lĩnh vực CNTT-TT
Kết quả rà soát cho thấy, trong 4 GP thuộc lĩnh vực CNTT-TT thì có 3 GP (2), (3) và (4) không có căn cứ pháp lý. Theo Luật DN năm 2005, GPKD và tất cả những điều kiện liên quan đến GPKD phải được quy định ở văn bản từ cấp chính phủ trở lên, nhưng 3 GP này chỉ được quy định ở văn bản cấp bộ, là các thông tư. Đơn cử như thông tư liên tịch về quản lý trò chơi trực tuyến, một vấn đề đã và đang có nhiều ý kiến khác nhau về mục tiêu bảo vệ lợi ích công cộng. Cho đến nay quy định về trò chơi trực tuyến chỉ được quy định trong thông tư liên bộ giữa bộ Bưu Chính Viễn Thông (BCVT), bộ Văn Hóa Thông Tin (VHTT) và bộ Công An (CA), ngoài ra không có căn cứ pháp lý nào từ cấp nghị định trở lên cho vấn đề này.
GP còn lại (1) có căn cứ pháp lý rất mơ hồ, theo nghĩa tất cả các điều kiện cấp phép và điều kiện KD liên quan đều được quy định trong văn bản cấp bộ được Chính Phủ hoặc Quốc Hội "ủy quyền" chung chung. Chẳng hạn các điều kiện KD đại lý Internet quy định tại thông tư liên tịch 02/2005/TTLT (về quản lý đại lý Internet) chỉ dựa trên một căn cứ duy nhất là "Đại lý Internet có trách nhiệm thực hiện các quy định về quản lý DV Internet do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành" trong nghị định 55/2001/NĐ-CP (về quản lý, cung cấp, sử dụng DV Internet).
Điều kiện cấp phép đối với 4 GP này cũng có vấn đề, thậm chí là không khả thi hoặc vô nghĩa. Đơn cử như các điều kiện KD chung của nhóm GPKD DV trò chơi trực tuyến. Điều kiện đưa ra làm phát sinh thêm 2 thủ tục hành chính liên quan, là thông báo về quy định quản lý hoạt động và báo cáo định kỳ 6 tháng/lần cho 3 bộ (BCVT, VHTT, CA). Vấn đề ở đây là vì sao DN phải thông báo/báo cáo đồng thời cho cả 3 bộ mà không phải chỉ với 1 bộ quản lý trực tiếp (ví dụ: bộ BCVT), rồi để bộ này thông báo lại hoặc cung cấp thông tin cho các bộ liên quan khi có yêu cầu?
Riêng đối với GP (1), điều kiện cấp phép là không thể thực hiện được. GP này quy định điều kiện KD Internet là chủ đại lý phải "cài đặt chương trình, biện pháp kỹ thuật đảm bảo ngăn chặn người sử dụng truy cập trang web có nội dung xấu; lập sổ đăng ký thống kê thông tin về người sử dụng DV và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin". Có thể thấy những yêu cầu này khó thực hiện, thậm chí quy định thứ hai còn vi phạm quyền tự do cá nhân của người sử dụng DV.
Về trình tự thủ tục cấp phép cho GP (2), (3), (4) còn nhiều vấn đề. Thạc sỹ luật Đậu Anh Tuấn, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: "Có những GP mà chủ thể thực hiện có thể không bao giờ hoàn thiện được bộ hồ sơ. Số còn lại rất phức tạp về thủ tục và một số GP phải do cơ quan trung ương (TƯ) cấp. Vấn đề đặt ra là DN ở tỉnh xa phải lên tận cấp TƯ để hoàn thiện hồ sơ, trong khi bản chất GP không cần đến cấp TƯ giải quyết". Thạc sỹ Tuấn nêu ví dụ, "Muốn có GP quảng cáo, DN phải xin đến 12 con dấu và tiếp xúc với 6 loại cơ quan khác nhau. Nếu quảng cáo trên mạng thông tin máy tính thì phải được sự cho phép của cả cục VHTT cơ sở lẫn bộ VHTT". Sự chồng chéo phân cấp ở đây hoàn toàn bất hợp lý.
Trường hợp GP (4) quy định DN xin cấp phép phải lập đề án cung cấp DV trong 5 năm đầu, trong đó nêu rõ kế hoạch kỹ thuật (cấu hình hệ thống, năng lực hệ thống, tài nguyên Internet, biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống) và kế hoạch KD (loại hình DV, phạm vi cung cấp, tiêu chuẩn - chất lượng DV, giá cước, hình thức đầu tư, nhân lực...). Có thể thấy nội dung này khá phức tạp về chuyên môn nhưng trong GP lại không có quy định cụ thể về thành phần và năng lực của cơ quan thẩm định. Bên cạnh đó, khi DN xin cấp phép mới cơ quan chức năng mới thẩm định, còn sửa đổi, bổ sung nội dung GP cũ lại không có quy định về thẩm định.
Nguyễn Thoa