Giun sống lâu hơn khi bay vào vũ trụ

  •  
  • 901

Giun đũa đã được đưa lên không gian trong nỗ lực nghiên cứu về những rủi ro về sức khỏe của sinh vật Trái đất trong những sứ mệnh du hành vũ trụ.

Bay lơ lửng trên không gian có thể giúp bạn sống lâu hơn, theo tuyên bố của một chuyên gia đến từ Đại học Nottingham (Anh). Tuy nhiên, đối tượng nghiên cứu lần này lại là ký sinh trùng Caenorhabditis elegans chứ không phải con người.

Caenorhabditis elegans được phát hiện sống thọ hơn trên quỹ đạo trái đất
Caenorhabditis elegans được phát hiện sống thọ hơn trên quỹ đạo trái đất - (Ảnh: Wikipedia)

Tiến sĩ Nathaniel Szewcyk của đại học trên, đồng thời là thành viên của nhóm nghiên cứu dự án ICE-FIRST, tập hợp các chuyên gia đến từ Nhật, Pháp, Mỹ và Canada, cho hay nhóm của bà đã có thể kiểm tra được tình trạng thất thoát khối lượng xương và cơ bằng cách gửi hàng triệu con giun Caenorhabditis elegans lên tàu con thoi Atlantis trực chỉ Trạm Không gian Quốc tế (ISS).

Chúng đã trải qua 11 ngày trên quỹ đạo cách mặt đất hơn 360km, theo báo cáo trên chuyên san Scientific Reports.

Theo đó, tiến sĩ Nathaniel Szewcyk cho hay những chuyến bay vào vũ trụ đã kìm hãm sự tích tụ của các protein có hại thường chỉ xuất hiện trong những bó cơ đang lão hóa dần.

Các chuyên gia cũng xác định được nhóm các gene bị kìm hãm hoạt động trong lúc giun lơ lửng trên không gian. Khi trở về trái đất, những con giun này sống thọ hơn đồng loại.

Trong các chuyến du hành trước, giun đã giúp giới khoa học nghiên cứu về khả năng ngăn cản sự thoái hóa cơ ở bệnh nhân và người già.

Sở dĩ Caenorhabditis elegans được chọn để nghiên cứu những tác động của bức xạ vũ trụ đối với con người vì đa số trong 20.000 gene của nó đảm nhiệm chức năng như ở người.

Theo Thanh Niên
  • 901