Hiện tượng ấm lên toàn cầu mà phần lớn tác động đến từ con người đang khiến cho băng ở 2 cực tan nhanh hơn khi nào hết. Băng tan quá nhanh khiến nước biển dâng lên và nhiều vùng đồng bằng duyên hải sẽ biến mất.
Đây không phải lần đầu tiên thềm băng Larsen B ở Nam Cực bị tan vỡ. Hồi 2002, cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã ghi nhận sự tan vỡ một phần của Larsen B, làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng ấm lên toàn cầu. Điều đáng nói là thềm băng trên đã tồn tại liên tục ít nhất 100 thế kỷ, trước cả những nền văn minh rực rỡ của nhân loại như Ai Cập, Hy Lạp, Ba Tư... Nhưng giờ đây chúng đang biến mất chỉ trong chưa đầy 1/4 thế kỷ.
Phần còn lại của Larsen B, theo tính toán của NASA, rộng khoảng 1.600 km2 (tương đương 80% diện tích TP.HCM) và cao khoảng 500 mét tại điểm dày nhất, đang có những dấu hiệu sẽ tan vỡ.
Một trong những điểm quan trọng của các thềm băng là chúng ngăn cản các sông băng hoà mình vào đại dương. Nếu như không có chúng, băng từ Nam Cực sẽ nhanh chóng chảy ra biển và làm dâng mực nước. Các con số nghiên cứu của NASA cho thấy, tốc độ "chảy" của các sông băng vào Larsen B đang tăng lên trong những năm qua. Điều trên chỉ có thể khi "đầu ra" của các sông băng thông thoáng hơn, tức các khoảng rỗng bên dưới Larsen B ngày càng nhiều hơn, dấu hiệu cho thấy nó sắp tan vỡ.
Cụ thể, có 3 sông băng đang chảy vào Larsen B là Leppard, Flask và Starbuck. Trong đó, 2 sông Leppard và Flask đã bị mỏng đi 20 - 22m trong các năm qua và tốc độ tăng lên đáng kể. Sông Flask có sự "bứt phá" nhanh nhất ở mức 700 m/năm và nhanh hơn 36% so với hồi 2012. Còn tại thời điểm 2002, tốc độ dòng chảy này chỉ bằng 1/8 so với hiện nay.
Không quá khó để hình dung tại sao một khối vật chất đã tồn tại suốt cả trăm thế kỷ lại có thể biến mất nhanh như thế. Theo cơ quan đại dương và khí tượng Mỹ (NOAA), nồng độ CO2 trung bình trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 400 ppm. Trong khi đó, con số mà các nhà môi trường cho là "an toàn" - 350 ppm đã bị vượt qua khá lâu.
Các nhà khoa học dự đoán nếu toàn bộ khối băng ở Greenland tan hết, nước biển sẽ dâng 6 m (cỡ căn hộ cao 2 tầng). Nếu toàn bộ khối băng ở Nam Cực tan hết, nước biển sẽ dâng 60 m (cỡ chung cư 10 tầng). Và nếu như toàn bộ băng trên hành tinh này tan hết, nước biển sẽ dâng tới 70 m.
Trong khi đó, phần lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp của con người hầu hết tập trung ở các đồng bằng duyên hải. Nếu một trong các điều trên xảy ra, thậm chí chỉ duy nhất băng của Greenland, sẽ là một thảm hoạ về an ninh lương thực với các quốc gia dùng gạo làm thức ăn chính như Việt Nam.