Hành tinh có sự sống gần chúng ta đang đối mặt việc "tận thế"?

  •  
  • 987

Nghiên cứu về loại vật thể đóng vai trò sao mẹ của các ngoại hành tinh gần Trái đất nhất đã đem đến sự thật rùng mình.

Viết trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, nhóm tác giả từ Viện Thiên văn học thuộc Đại học Hawaii (Mỹ) và Khoa Vật lý Đại học Cambridge (Anh) cảnh báo sao lùn đỏ có thói quen tấn công các hành tinh của nó bằng tia lửa sao tàn khốc.

Sao lùn đỏ là loại sao lớp M mờ, mát hơn Mặt trời của chúng ta và chiếm tới 70% số sao của thiên hà Milky Way (Ngân Hà) mà Trái đất đang trú ngụ.

Hành tinh giống Trái đất Proxima cách chúng ta 4,2 năm ánh sáng
Hành tinh giống Trái đất Proxima cách chúng ta 4,2 năm ánh sáng có thể sở hữu một "người mẹ" thường xuyên bùng nổ - (Minh họa AI: ANH THƯ).

Gần Mặt trời của chúng ta cũng có một số sao lùn đỏ đã biết, ví dụ nổi tiếng nhất là Proxima Centauri (Cận Tinh), ngôi sao lùn đỏ chứa ít nhất một hành tinh gần giống Trái đất.

Ổn định, phong phú, có khả năng cao sở hữu các hành tinh đá xung quanh..., sao lùn đỏ đã trở thành mục tiêu hấp dẫn trong các cuộc săn tìm sự sống ngoại hành tinh.

Nhưng nghiên cứu mới đem lại một tin sốc khi xem xét khoảng 300.000 ngôi sao và tập trung vào 182 vụ bùng phát có nguồn gốc từ các hệ thống lớp M.

Theo các tác giả, nếu như các nghiên cứu quan sát quy mô lớn trước đây về các đợt bùng phát sao chủ yếu được tiến hành ở bước sóng quang học, thì công trình của họ tập trung vào bức xạ cực tím (UV) phát ra từ các sự kiện này.

Cụ thể, nghiên cứu này kiểm tra bức xạ ở phạm vi UV gần (175–275 nm) và UV xa (135–175 nm).

Mặc dù bức xạ này không nhất thiết có hại cho sự phát triển của các phân tử phức tạp mà chúng ta tin là điều kiện tiên quyết cho sự sống, nhưng loại bức xạ này có thể có tác động đáng kể đến khả năng sinh sống của một hành tinh.

Liều lượng tạo nên chất độc: Với số lượng tương đối khiêm tốn, các photon năng lượng cao do các đợt bùng phát sao tạo ra có thể giúp xúc tác sự hình thành các hợp chất liên quan đến sự sống, song quá nhiều thì lại tước bỏ bầu khí quyển của hành tinh, bao gồm lớp ozone.

Điều này càng khiến sự sống tiềm năng bị phơi bày trước tia UV và gặp họa lớn.

Cho dù sự sống đó đã phát triển tới một mức độ nào đó, một vụ bùng nổ UV quá mạnh mẽ cũng đủ gây ra thảm họa tuyệt chủng.

98% trong số 182 vụ bùng phát được nhóm nghiên cứu ghi nhận từ các sao lùn đỏ đã giải phóng mức độ UV cao hơn dự kiến, một mức độ đủ để gây thảm họa.

"Nếu các đợt bùng phát sao lùn đỏ thực sự tạo ra lượng bức xạ UV quá lớn, các hành tinh quay quanh chúng có thể thù địch với sự sống hơn chúng ta nghĩ, ngay cả khi đáp ứng các tiêu chí khác về khả năng có sự sống" - Science Alert trích dẫn kết luận của nhóm tác giả.

Mặc dù vậy, hầu hết các nhà sinh học thiên văn tin rằng sự sống vẫn có cách luồn lách qua các khung cửa hẹp.

Có thể các hành tinh đó không có người ngoài hành tinh, nhưng có khi vẫn sở hữu được các sinh vật cực đoan như chúng ta đã tìm thấy trong lòng đất, dưới băng sâu, trong các hồ nước độc hại hay sôi sục vì địa nhiệt...

Cập nhật: 19/10/2024 NLĐ
  • 987