Tìm ra hành tinh đáng sợ có thể có sự sống

  •   52
  • 584

Một số hành tinh mà trước đây các nhà khoa học cho là "địa ngục" lại có thể là thế giới sự sống tiềm năng.

Theo Sci-News, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi GS Caroline Dorn từ ETH Zurich (Thụy Sĩ) cho thấy những siêu Trái đất sở hữu đại dương magma khổng lồ và bầu không khí cực ẩm ướt thật ra là dạng hành tinh sống được tiềm năng mà chúng ta đã bỏ qua.

Các nghiên cứu về sinh học thiên văn thường tìm kiếm sự sống nơi các thế giới có môi trường ôn hòa, có gì đó giống với Trái đất.

Vì vậy, các hành tinh bao phủ bởi đại dương magma hay dạng hành tinh mà các phép đo khối lượng, mật độ cho thấy tỉ lệ nước quá cao thường bị bỏ qua.

 Các siêu Trái đất bao phủ bởi đại dương magma có thể là thế giới sống được trong tương lai
Các siêu Trái đất bao phủ bởi đại dương magma có thể là thế giới sống được trong tương lai - (Ảnh AI: Anh Thư).

Như nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy nước cần cho sự sống, nhưng quá nhiều nước - ví dụ các thế giới đại dương - thì lại kìm hãm khả năng phát sinh và tiến hóa của sự sống.

Thế nhưng bài công bố trên tạp chi Nature Astronomy chỉ ra những "hành tinh đại dương" có thể chỉ có nước trên bề mặt tương đương Trái đất, bởi một lượng lớn nước đã bị thu vào lõi.

Đại dương magma của chúng cũng tương tự đại dương magma của Trái đất sơ khai và nước hòa tan rất tốt trong các đại dương magma này.

Chúng cũng có lõi sắt. Lõi này cần thời gian để phát triển, một phần lớn sắt ban đầu vốn cũng bị mắc kẹt trong magma.

Chính lượng sắt này đã kết hợp với các phân tử nước, kéo chúng cùng chìm xuống lõi theo thời gian.

Chính một ít nước của Trái đất cũng bị giấu vào lõi theo cách đó. Với các hành tinh to lớn hơn - các siêu Trái đất to khoảng 6 lần địa cầu trở lên - nước càng dễ bị giấu vào lõi hơn.

Trong một số trường hợp nhất định, sắt có thể hấp thụ lượng nước nhiều hơn silicat tới 70 lần.

Do vậy, tìm thấy một hành tinh mà các phép đo cho thấy chúng có tỉ lệ nước cao, không có nghĩa là nước đó ngập ngụa trên bề mặt.

Và nếu vỏ ngoài của hành tinh đó có thể nguội đi và đông đặc lại như Trái đất hàng tỉ năm trước, nước hòa tan trong đại dương magma có thể thoát khí và nổi lên bề mặt trong quá trình đó.

Nói cách khác, một số siêu Trái đất tưởng chừng như địa ngục thật ra chỉ đang trải qua quá trình tiến hóa hành tinh giống thế giới của chúng ta trong liên đại Hỏa Thành, khi quả cầu lửa ban đầu dần nguội đi và dần trở thành thế giới sống được.

Vì vậy, nhóm tác giả kết luận rằng ngay cả những hành tinh có hàm lượng nước tương đối cao cũng có khả năng phát triển các điều kiện sống giống như Trái đất.

Như vậy, các thế giới đại dương khổng lồ, tương đối "già" như Trái đất có thể là mục tiêu tiếp theo cho cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh.

Cập nhật: 01/09/2024 NLĐ
  • 52
  • 584