Hành tinh giống Trái Đất có thể chứa sự sống

  •  
  • 5.264

Các nhà thiên văn học phát hiện một hành tinh giống Trái Đất chỉ cách chúng ta 219 năm ánh sáng, có thể trở thành mục tiêu cho các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.

Hành tinh mới tên Kepler-1649 được các nhà thiên văn phát hiện thông qua kính viễn vọng không gian Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, Phys.org hôm 7/4 đưa tin. Hành tinh này chỉ hơi lớn hơn Trái đất một chút và quay quanh một ngôi sao có nhiệt độ thấp tên M5V có đường kính bằng 1/5 Mặt Trời.

Kepler-1649 có kích thước hơi lớn hơn Trái Đất một chút.
Kepler-1649 có kích thước hơi lớn hơn Trái đất một chút. (Ảnh: Danielle Futselaar).

Theo các nhà nghiên cứu, hành tinh họ hàng gần với sao Kim sẽ là ứng cử viên quan trọng để tìm kiếm sự sống trong các sứ mệnh không gian tiếp theo. Quỹ đạo của nó khiến ánh sáng từ ngôi sao mẹ chiếu đến hành tinh lớn gấp 2,3 lần lượng ánh sáng Mặt trời chiếu đến Trái đất. Về lý thuyết, ngôi sao nằm trong khu vực phù hợp để sự sống hình thành và phát triển.

Phát hiện cũng cung cấp thêm hiểu biết về bản chất của hành tinh xung quanh sao lùn M, loại sao lùn kích thước nhỏ, lạnh và tương đối phổ biến trong vũ trụ. "Những hành tinh như Kepler-1649b sẽ là mục tiêu lựa chọn cho nghiên cứu về khí quyển và khả năng ở được", nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo công bố trên tạp chí Vật lý thiên văn.

Dù Trái đất và sao Kim tiến hóa tới kích thước và mật độ tương đồng, các nhà khoa học vẫn chưa rõ yếu tố nào khiến hai hành tinh có sự phân hóa rõ rệt trong khí quyển. Theo Isabel Angelo, nhà khoa học ở Viện SETI, nghiên cứu những hành tinh giống sao Kim có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hiểu rõ ranh giới khu vực có thể tồn tại sự sống quanh sao lùn M.

Cập nhật: 10/04/2017 Theo VnExpress
  • 5.264