50 năm qua, một số nghiên cứu về hành trình khám phá sao Hỏa đã mang lại những kết quả bất ngờ nhưng cũng có những điều cho đến nay vẫn còn là ẩn số.
Sao Hỏa là hành tinh giống Trái đất nhất trong hệ Mặt trời. Trước tàu thăm dò ExoMars, đã có rất nhiều tàu vũ trụ, vệ tinh, robot được đưa tới sao Hỏa để tìm kiếm sự sống ở hành tinh này.
Sau rất nhiều nỗ lực thất bại, ngày 28/11/1964 đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ cho toàn nhân loại khi tàu Mariner 4 của NASA đã gửi những bức hình đầu tiên chụp bề mặt sao Hỏa về Trái đất.
Năm 1971, tàu Mariner 9 của NASA trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tiến vào quỹ đạo sao Hỏa.
Ngày 14/3/2016, tàu thăm dò ExoMars được phóng lên vũ trụ.
Tàu Viking 1 và 2 của NASA đổ bộ và vận hành thành công trên bề mặt sao Hỏa vào năm 1976. Những manh mối về nước trên sao Hỏa dần hé lộ.
Tàu vũ trụ Mars Pathfinder của NASA đưa một thiết bị đổ bộ và robot thám hiểm mang tên Sojourner lên bề mặt sao Hỏa. Dữ liệu gửi về bao gồm sức gió, áp suất và những điều kiện khác trên sao Hỏa.
Vệ tinh Mars Express của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã tìm ra nước dạng băng đá tại hai cực của sao Hỏa vào năm 2004. Ngoài ra, vệ tinh còn tìm thấy dấu vết của khí metan trong bầu khí quyển của sao Hỏa, cho thấy tiềm năng tồn tại vi khuẩn trên hành tinh này.
Robot tự hành lớn nhất của con người - Curiosity - hạ cánh thành công trên sao Hỏa, cung cấp cho các nhà khoa học những thông tin chuẩn xác hơn rất nhiều so với các robot trong quá khứ.
Tháng 9/2015, NASA chính thức công bố về việc tìm ra nước lỏng trên bề mặt sao Hỏa. Đây là một bước ngoặt trong hành trình khám phá sao Hỏa của con người, mở ra hy vọng tìm thấy sự sống ở Hành tinh Đỏ.
Ngày 14/3, tàu thăm dò ExoMars được phóng lên vũ trụ. Đây là dự án vũ trụ đầu tiên mà Nga và châu Âu hợp tác chặt chẽ và sâu sắc.
Vào năm 2018, dự án ExoMars giai đoạn 2 sẽ được triển khai với mục đích tìm kiếm dấu vết sinh học của sự sống trên sao Hỏa ở quá khứ hoặc hiện tại.