Hậu duệ mong muốn đưa hài cốt vua Hàm Nghi hồi hương

  •  
  • 409

Hậu duệ đời thứ 4 và 5 vua Hàm Nghi mong muốn đưa hài cốt vua về quê hương như nguyện vọng ông viết trong di chúc.

Ngày 12/1, ông Đặng Văn Luyện (cháu đời thứ 4 nhánh một hậu duệ vua Hàm Nghi) và bà Amandine Dabat (đời thứ 5, nhánh 2) thăm đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại khu di tích quốc gia Tân Sở, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ.

Đền thờ xây dựng trên khuôn viên thành Tân Sở, vốn là kinh đô dự phòng do nhà Nguyễn xây dựng năm 1883. Đến ngày 13/7/1885, tại đây vua Hàm Nghi xuống dụ Cần Vương, kêu gọi thần dân khắp ba miền chống Pháp để "chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, khôi phục lại bờ cõi" cho quốc gia.


Hậu duệ vua Hàm Nghi nói về mong muốn đưa hài cốt vua về quê hương. (Video: Anh Vũ - Hoàng Táo)

Bà Amandine Dabat cho biết, trong di chúc, vua Hàm Nghi muốn khi mất được chôn cất tại quê nhà, bên cạnh cha ruột. Tuy nhiên, khi ông qua đời năm 1944, do Việt Nam đang phải đấu tranh giành độc lập nên vợ vua không thể thực hiện được di nguyện. Về sau, những người cháu lại mong muốn để mộ ông ở Pháp để tiện thắp nhang, tưởng niệm.

"Tuy nhiên, tôi và thế hệ trẻ sau này muốn tôn trọng nguyện vọng cuối cùng của vua Hàm Nghi là đưa ông về quê hương", bà Amandine Dabat nói, cho biết sẽ chờ đến thời điểm thích hợp để thực hiện di nguyện.

Ông Đặng Văn Luyện cũng muốn thực hiện di nguyện hồi hương của vua Hàm Nghi và "sẽ làm khi thế hệ trước cho phép".

Hậu duệ của vua Hàm Nghi
Bà Amandine Dabat và ông Đặng Văn Luyện, hai hậu duệ vua Hàm Nghi chụp ảnh cùng chân dung vua Hàm Nghi. (Ảnh: Hoàng Táo)

Thời gian qua, ông Luyện nhiều lần về nước, ghé thăm TP Huế và Quảng Trị, nơi ghi dấu ấn cuộc đời vua Hàm Nghi. Theo Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, ông và anh trai Đặng Văn Giáp đã tặng 10 tỷ đồng trùng tu phủ Kiên Thái Vương (TP Huế, nơi thờ phụng 5 vua), được khánh thành tháng 2/2021.

Về Việt Nam lần này, bà Amandine Dabat mang theo một ống điếu, kỷ vật gắn bó suốt cuộc đời vua Hàm Nghi, tặng cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Bà cũng hứa tặng một ống điếu khác cho đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương khi về nước lần tới. Hè này, bà dự định giới thiệu một cuốn sách bằng tiếng Việt của bà viết về vua Hàm Nghi, tại Việt Nam.

Ba ngày trước, bà tham dự triển lãm Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và chia sẻ về cuộc sống của vua khi bị lưu đày ở Algérie cho đến cuối đời.

Chân dung vua Hàm Nghi
Chân dung tự họa của vua Hàm Nghi, năm 1896. (Ảnh tư liệu).

Theo chính sử triều Nguyễn, vua Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là con trai thứ năm của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai. Từ nhỏ, ông sống trong cảnh bần hàn, dân dã với mẹ chứ không như hai người anh ruột ở trong cung là vua Đồng Khánh và vua Kiến Phúc.

Năm 1884, vua Hàm Nghi được các phụ chính đại thần chủ trương chống Pháp là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi lúc 13 tuổi. Sau khi kinh đô Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi được Tôn Thất Thuyết đưa vào rừng núi Tân Sở. Tại đây, vua ban chiếu Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và nông dân nổi dậy chống Pháp giành độc lập.

Dân chúng hưởng ứng phong trào rất đông. Giặc Pháp đã bắt vua Hàm Nghi, ngày 25/11/1888 đưa ông xuống tàu đi vào Lăng Cô. Chiều 13/1/1889, vua bị lưu đày đến thủ đô Alger của Algérie và qua đời tại đây năm 1944 do ung thư dạ dày.

Theo bài viết của nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân trên báo Thừa Thiên Huế, hậu duệ vua Hàm Nghi gồm nhánh cả là nhánh bà Phan Thị Hòa, sau đó là nhánh bà Marcelle Laloë và nhánh thứ ba là bà Gabrielle Capek.

Cập nhật: 13/01/2023 VNE
  • 409