Các nhà phân tích tình báo quân sự Nga hôm 20/9 cho biết họ tin rằng một trong những vệ tinh bí mật nhất của Mỹ là KH-13 đã bị phá hủy trên quỹ đạo và máy phát điện của nó rơi xuống một vùng hẻo lánh ở Peru, tạo nên cái hố lớn.
Giới truyền thông phương Tây trước đó cho rằng một thiên thạch đã rơi xuống và tạo ra một hố sâu ở làng Carangas thuộc thành phố Puno, nơi hàng trăm người bị bệnh sau khi đến xem nó.
Tuy nhiên, tình báo quân sự Nga cho rằng điều này là không thể vì hố này có đường kính đến 30 m và nếu do một thiên thạch gây ra thì sự va chạm này sẽ tạo ra một năng lượng khổng lồ và được các trạm địa chấn khắp thế giới ghi nhận. Dù vậy, điều đáng ngạc nhiên nhất trong báo cáo của tình báo quân sự Nga là chính người Mỹ đã phá hủy vệ tinh theo dõi KH-13 nhằm chủ yếu vào Iran. Theo đó, vụ phá hủy này được máy bay của căn cứ không quân Vandenberg ở California, Mỹ, tiến hành.
(Ảnh: ABC news)
Trái với tình báo quân sự Nga, các nhà thiên văn học Peru cho biết có bằng chứng cho thấy hố ở làng Carangas là do một thiên thạch gây ra. Họ cho rằng những thông tin thu thập được cho thấy một thiên thạch thực sự có vẻ đã rơi xuống trái đất hôm 15/9 vừa qua - một vụ việc rất ít xảy ra.
Theo Jay Melosh, giảng viên môn khoa học hành tinh tại Đại học Arizona (Mỹ), trong số 1.000 tảng đá được cho là thiên thạch, chỉ có một là thật. Bản thân ông Melosh ban đầu cũng hoài nghi về tính xác thật của vụ thiên thạch rơi xuống làng Carangas. Nhưng sau khi các nhà khoa học nghiên cứu kỹ hơn về hố sâu được tạo ra và nhiều nhân chứng mô tả những gì đã xảy ra, ông đã thay đổi thái độ. Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn muốn tiến hành thêm các cuộc kiểm tra khác để xác nhận vụ việc.