Hóa thạch 114 triệu năm tiết lộ "siêu dã thú" mới

Khủng long ăn thịt khổng lồ
  •  
  • 1.157

Các nhà cổ sinh vật học hôm 9/10 công bố phát hiện một loài khủng long ăn thịt đầu bảng sinh sống từ kỷ Jura đến kỷ Phấn trắng muộn.

Hình ảnh phục dựng loài Siamraptor suwati.
Hình ảnh phục dựng loài Siamraptor suwati. (Ảnh: Courthouse News).

Hộp sọ và một số mảnh xương còn sót lại của một loài khủng long ăn thịt khổng lồ chưa từng được biết tới đã được tìm thấy trong hệ tầng đá Khok Kruat ở đông bắc Thái Lan. Loài mới, được đặt tên Siamraptor suwati, từng là động vật săn mồi đứng ở đỉnh chuỗi thức ăn trước khi khủng long bạo chúa xuất hiện.

Siamraptor suwati được xác định thuộc phân bộ Khủng long chân thú. Các phân tích gene cho thấy chúng là thành viên cơ bản của nhóm khủng long ăn thịt Allizardoid, còn được gọi là Carcharodontizard, đại diện cho sự phân chia tiến hóa rất sớm từ phần còn lại của nhóm.

Hộp sọ khủng long Siamraptor suwati.
Hộp sọ khủng long Siamraptor suwati. (Ảnh: Phys).

Dựa trên kích thước hộp sọ và những mảnh xương được tìm thấy, các nhà khoa học ước tính S. suwati có chiều dài cơ thể gần 8m với hàm răng sắc nhọn như cá mập. Chúng là những kẻ săn mồi nhanh nhẹn nhờ cấu trúc xương nhẹ với nhiều túi khí bên trong. Bên cạnh đó, lồng xương sườn nhẹ còn cho phép chúng thở nhanh hơn và nhờ đó có thể chạy nhanh hơn.

Các nhà khoa học trước đây đã tìm thấy các loài Cararodontizard ở châu Mỹ, châu Phi và châu Âu nhưng đây là hóa thạch đầu tiên được phát hiện ở Đông Nam Á, cho thấy sự phân bố rộng khắp của chúng trên toàn thế giới. Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Nakhon Ratchasima Rajabhat do Duangsuda Chokchaloemwong dẫn đầu đã được công bố trên tạp chí PLOS One.

Cập nhật: 10/10/2019 Theo VnExpress
  • 1.157