Nghiên cứu vừa công bố trên Scientific Reports đã trình bày những chi tiết bất ngờ về hóa thạch một con khủng long chân thằn lằn sauropod, còn được gọi là khủng long cổ dài, loài khủng long lớn nhất thế giới.
Mẫu vật có biệt danh là Dolly được phát hiện ở Tây Nam Motana (Mỹ), có niên đại từ cuối kỷ Jura, khoảng 150 triệu năm trước.
Dolly khi còn sống - (Ảnh đồ họa từ Corbin Rainbolt)
Phân tích của tiến sĩ Cary Woodruff từ Bảo tàng Khủng long Grat Plains ở Malta trên 3 đốt sống cổ của Dolly cho thấy những phần xương nhô ra bất thường, có vẻ bị thâm nhập bởi các túi chứa đầy không khí.
Theo PHYS, con khủng long xấu số đã bị viêm đường hô hấp trước khi qua đời. Cơn cảm cúm, tất nhiên không được điều trị, đã không tự khỏi mà gây ra biến chứng viêm nhiễm nặng, đến nỗi biến dạng xương và làm cho con khủng long liên tục sốt, ho, khó thở... y như con người bị nhiễm trùng hô hấp nặng, viêm phổi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nó bị nhiễm một loại nấm tương tự aspergillosis, một bệnh đường hô hấp phổ biến với chim và bò sát ngày nay. Bệnh này có thể gây tử vong ở chim nếu không được bác sĩ thú y điều trị kịp thời.
Có vẻ con khủng long xấu số này cũng vậy, dựa trên những biến chứng mà nó mắc phải, bệnh có thể nặng đến nỗi gây ra cái chết cho nó. Biết được những dạng bệnh loài quái thú sơ khai này mắc phải có thể cung cấp nhiều dữ kiện quan trọng cho bản đồ tiến hóa của muôn loài.
Công trình còn có sự tham gia của Đại học New Mexico, Đại học Khoa học sức khỏe miền Tây, Trường Đại học Y học Xương khớp thuộc Đại học Bang Ohio...