Phát hiện về mới về hóa thạch được thu thập tại phía Đông Nam Cực của một sinh viên đại học cho thấy vùng cực băng giá đã từng dễ chịu hơn rất nhiều.
Hóa thạch của ostracods - một loại giáp xác nhỏ, thuộc vùng Dry Valley ở dãy núi Transantarctic, Nam Cực - có niên đại từ 14 triệu năm trước. Đây là một hóa thạch hiếm, hiện rõ hình ảnh 3 chiều của các bộ phận giải phẫu mềm của ostracod.
Hóa thạch do Richard Thommasson phát hiện khi ông đang dò quét trầm tích trong phòng thí nghiệm của thành viên nhóm nghiên cứu Allan Ashworth tại Đại học bang Bắc Dakota.
Vì ostracods không thể sống sót với điều kiện khí hậu hiện tại của Nam Cực, sự có mặt của chúng cho thấy lục địa cực Nam không phải lúc nào cũng băng giá như ngày nay.
Mark Williams thuộc đại học Leicester, đồng tác giả với Ashworth trong báo cáo phát hiện hóa thạch trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, cho biết: “Điều kiện hiện tại ở Nam Cực có nhiệt độ trung bình hàng năm là âm 25 độ C (âm 13 độ F). Đó không phải là điều kiện mà động vật ao hồ như ostracods có thể sống sót”.
Hóa thạch ostracod từ Dry Valleys thuộc Nam Cực có chiều dài nhỏ hơn 1 mm, nhưng bảo quản các mô mềm bao gồm phần chân và miệng. Phần đầu nằm ở phía phải. (Ảnh: Mark Williams, đại học Leicester) |
Các tác giả cho rằng ostracods và môi trường sống của nó là vết tích cuối cùng của hệ sinh thái Tundra, tương tự như những quần sinh vật tìm thấy tại Patagonia, đã từng phát triển thịnh vượng tại vùng bở biển Nam Cực, trước khi một đợt lạnh khiến khí hậu Nam Cực thay đổi như những gì như chúng ta thấy ngày nay.
Các nhà địa chất đưa ra lý thuyết rằng vùng đất tạo ra Nam Cực ngày nay đã từng là một phần của lục địa khác gần đường xích đạo hơn – khoảng hàng trăm triệu năm trước. Đồng tác giả của nghiên cứu David Marchant thuộc đại học Boston nhận định vì lý do đó, nền khí hậu ấm áp phù hợp với ostracods đã có thể tồn tại “khi Nam Cực tách dần đến vị trí hiện nay của nó”.
Marchant ước tính rằng nhiệt độ mùa hè tại Nam Cực vào thời gian đó có thể ấm hơn nhiệt độ hiện tại 30,6 độ F (17 độ C).
Thời kỳ ấm áp này chấm dứt khi các dải băng khổng lồ băt đầu xuất hiện ở Nam Cực khoảng 34 triệu năm trước, cuối kỷ Eocene. Marchant phát biểu trên LiveScience rằng những dải băng này mở rộng và thu nhỏ cho đến 14 triệu năm trước đây, trong kỷ Miocene, khi một đợt lạnh dữ dội xuất hiện và biến khí hậu Tundra thành môi trường “mà ngày nay trông giống như sao Hỏa”.
Marchant cho biết các nhà khí hậu học cũng không giải thích được điều gì đã tạo ra đợt lạnh dữ dội đó.
Nghiên cứu được Quỹ khoa học quốc gia tài trợ.