Nguyệt thực toàn phần cuối cùng của năm nay đạt cực đại lúc 17h59, ngày 8/11 (giờ Hà Nội). Tại Việt Nam có thể quan sát từ các vị trí nhìn về hướng Đông.
Quá trình nguyệt thực sẽ bắt đầu từ 15h02, pha toàn phần diễn ra lúc 17h16 và kéo dài khoảng 85 phút. Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, bất kì khu vực nào có hướng nhìn về phía Đông trống trải đều có thể quan sát tốt nguyệt thực.
Tại TP HCM, dự kiến Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư (HAAC) sẽ tổ chức quan sát nguyệt thực toàn phần tại Công viên bến Bạch Đằng (quận 1), bắt đầu từ 17h. Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm HAAC, vị trí bến Bạch Đằng khi nhìn về hướng Đông, nơi xuất hiện nguyệt thực không bị tòa nhà nào chắn nên rất dễ để quan sát.
Xem trực tiếp nguyệt thực toàn phần tại đây.
"Nguyệt thực toàn phần diễn ra ngay lúc Mặt trăng vừa mọc ở hướng Đông, ngay sát đường chân trời. Tuy nhiên, để quan sát tốt nhất hiện tượng này, thời tiết phải không có mây, không mưa", anh Tuấn nói.
Việc quan sát nguyệt thực có thể thực hiện bằng mắt thường, ống nhòm. Dự kiến chiều 8/11, HAAC sẽ mang một số kính thiên văn chuyên dụng để phục vụ người dân quan sát tốt nhất.
Tại TP HCM, lúc 17h22, Mặt trăng đã hoàn toàn nằm trong pha toàn phần và có màu đỏ ối. Người quan sát có thể thấy Mặt trăng đỏ như máu từ từ mọc lên từ chân trời Đông. Đến 17h59 là thời điểm cực đại nguyệt thực toàn phần khi trăng sẽ có màu đỏ sậm nhất. Tuy nhiên độ cao của trăng vào lúc này là 7,6 độ vẫn còn khá thấp ở chân trời Đông. Nguyệt thực toàn phần kết thúc vào 18h41 khi trăng sẽ dần lên cao và kết thúc pha toàn phần khi nó đạt độ cao 17,4 độ khá thuận lợi cho quan sát.
Sau 18h41, trăng sẽ chuyển sang pha nguyệt thực một phần, phần không bị bóng Trái đất che sẽ dần dần ló dạng và kết thúc sau đó 8 phút. Ở các địa phương khác thời gian thay đổi chút ít, không đáng kể.
Một buổi quan sát thiên văn tại TP HCM do Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư tổ chức. (Ảnh: HAAC)
Tại Hà Nội nhiều nhóm thiên văn nghiệp dư cũng chuẩn bị cho việc quan sát và chụp hiện tượng này.
TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, tại Đài thiên văn vũ trụ Hòa Lạc sẽ tổ chức cho 70 bạn học sinh lớp 3 quan sát bầu trời bằng kính thiên văn khi diễn ra hiện tượng nguyệt thực. Trước đó, các em cũng được tìm hiểu về kính thiên văn, cách chế tạo cũng như các kiến thức về vũ trụ, các hiện tượng thiên văn kỳ thú...
Nhà chiếu mái vòm hình vũ trụ tại Đài thiên văn Hòa Lạc - nơi sẽ giới thiệu với các em học sinh kiến thức về thiên văn, vũ trụ. (Ảnh: Giang Huy)
Nguyễn Trần Hạ (Hà Nội), một người yêu thiên văn nghiệp dư cũng chuẩn bị cho việc quan sát và chụp ảnh khi Mặt trăng bị che khuất hoàn toàn.
Anh cho biết, thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần sớm nên Mặt trăng đang ở vị trí thấp, sẽ bị các tòa nhà che lấp, khả năng khó quan sát ở các thành phố lớn. Ở nửa sau của cực đại, sẽ quan sát tốt hơn do Mặt trăng dần lên cao. Tức là khoảng 18h30 trở đi, góc đạt khoảng 18-20 độ so với chân trời. Lúc này Mặt trăng cũng sáng hơn.
Trần Hạ cho biết, có một hiện tượng kỳ thú khác trong pha toàn phần, Mặt trăng sẽ đi qua và che lấp sao Thiên Vương (uranus - một hành tinh trong Hệ Mặt trời). Ngay sau khi kết thúc pha nguyệt thực toàn phần (lúc 18h45), sao Thiên Vương sẽ ló ra ở phía bên kia đĩa Mặt trăng. "Nếu có kính thiên văn đủ tốt có thể quan sát được hiện tượng sao Thiên Vương ló ra, rất tuyệt vời", Trần Hạ nói.
Trên thế giới, từ Iceland, các khu vực thuộc Nam Mỹ, Nam Á, Trung Á, Nga có thể quan sát nguyệt thực 1 phần hôm 8/11. Trong khi đó, Bắc Mỹ và nhiều nơi thuộc Nam Mỹ, châu Á, Australia và New Zealand có thể chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần.
Đây sẽ là nguyệt thực thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong năm 2022. Nguyệt thực trước đó diễn ra vào ngày 16/5. Năm 2023 cũng sẽ có 2 nguyệt thực vào tháng 5 và tháng 10. Nguyệt thực xảy ra khi Trái đất di chuyển vào giữa Mặt trăng và Mặt trời. Khi đó, Trái đất sẽ đổ bóng lên Mặt trăng. Bóng của hành tinh xanh có thể che toàn bộ (nguyệt thực toàn phần) hoặc một phần (nguyệt thực một phần) ánh sáng Mặt trời và khiến Mặt trăng tối đi.
Trong nguyệt thực, Mặt trăng có thể mang sắc đỏ vì ánh sáng từ Mặt trời, dù bị cản trực tiếp bởi umbra (phần tối nhất của bóng Trái đất), vẫn uốn cong quanh hành tinh xanh và di chuyển xuyên qua khí quyển để chạm tới Mặt trăng. Khí quyển Trái đất lọc những bước sóng ngắn hơn màu xanh và cho phép các bước sóng đỏ, cam đi qua. Khi các bước sóng đỏ và cam này đi qua khí quyển Trái đất, chúng tiếp tục chạm tới Mặt trăng. Hiện tượng Mặt trăng màu đỏ được gọi là Trăng máu.