Với sự giúp đỡ của chính quyền thành phố Cocenza, các nhà nghiên cứu Italy đã chính thức tiến hành nghiên cứu nhằm tìm kiếm nơi yên nghỉ của vua Alaric và số của cải trị giá 1,2 tỷ USD.
Theo IB Times, Alaric, vị vua người Visigoth, và quân đội của ông công chiếm thành Rome khi nơi đây là trung tâm của đế chế La Mã năm 410. Sau cuộc chinh phạt, ông thu được hai tấn vàng, 12 tấn bạc, một núi quần áo lụa và 1.300kg ớt cùng với nhiều đồ vật giá trị khác.
Vua Alaric cưỡi ngựa diễu hành qua thành phố Athens khi chinh phạt thành phố này năm 395. (Ảnh: Wikimedia Commons).
Alaric qua đời một thời gian ngắn sau khi cướp phá thành Rome. Cho đến nay, nơi chôn cất vị vua này vẫn còn là điều bí ẩn. Nhiều người tin rằng, một dòng sông chảy qua Cosenza ở phía nam Italy là nơi ông yên nghỉ. Những binh sĩ của vua Alaric đã tạm đổi hướng dòng sông, chôn cất ông cùng với phần lớn của cải trong một ngôi mộ đá, sau đó để dòng nước chảy lại như cũ.
Các nhà khoa học Italy và chính quyền Cosenza xác định 5 địa điểm có thể là nơi chôn cất vua Alaric. Họ dự kiến sử dụng máy bay trực thăng không người lái, radar xuyên đất, công nghệ hồng ngoại và các thiết bị điện từ nhằm tìm kiếm ngôi mộ chứa kho báu có thể nằm sâu 8m dưới mặt đất.
Vua Alaric có thể được chôn trong một ngôi mộ đá dưới lòng sông. (Ảnh: Wikimedia Commons).
"Đây là một cuộc truy tìm thực sự. Bạn được nghe huyền thoại về một kho báu mất tích từ lâu. Ngay cả Heinrich Himmler, thống chế đội cận vệ của Đức Quốc xã, đã tới đây vào năm 1937 trong nỗ lực tìm kiếm kho báu cho Hitler. Nếu thực sự tồn tại, nó sẽ có giá trị khoảng 1,2 tỷ USD", Francesco Sisci, người điều phối dự án, chia sẻ với The Telegraph.
Mario Occhiuto, thị trưởng thành phố Cosenza hoàn toàn ủng hộ dự án. "Nhờ công nghệ hiện đại, lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống về kho báu của vua Alaric. Thành Troy vẫn chỉ là một huyền thoại cho đến khi được phát hiện vào những năm 1870. Pompeii cũng được tìm thấy vào thế kỷ 18. Chúng tôi thực sự rất quyết tâm. Đây có thể là kho báu lớn nhất trong lịch sử nhân loại và là một phần di sản thế giới", Occhiuto cho biết.