Các nhà nghiên cứu động vật vừa khám phá tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc loài rắn má dài 555mm - một trong 19 hay 20 loài thuộc giống rắn má Opisthotropis còn lại trên thế giới.
|
Rắn má Tam Đảo |
Loài rắn má này được khám phá ở Suối Bạc, độ cao 750m so với mực nước biển ở Vườn quốc gia Tam Đảo. Lưng rắn màu xám xanh ô liu đậm với hai sọc đậm dọc hai bên hông, phần tiếp giáp với hông và bụng có màu xám, chóp đuôi với nhiều đốm đen đậm. Mẫu vật chuẩn của loài này hiện đang lưu giữ tại bảo tàng động vật học Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Loài rắn má mới này có chiều dài cơ thể kể cả đuôi 555mm. Lưng có màu xám xanh ô liu đậm với hai sọc đậm dọc hai bên hông, phần tiếp giáp với hông và bụng có màu xám, chóp đuôi với nhiều đốm đen đậm
Loài rắn mới này có tên khoa học là Opisthotropis tamdaoensis sp. n. Ziegler, David & Vu, 2008. Công trình này được xuất bản trên tạp chí chuyên ngành Hệ thống học động vật và Tiến hóa (ZooSystematics and Evolution) số 84, tập 2 năm 2008.
Theo các nhà nghiên cứu, loài rắn má mới này thuộc họ rắn nước (Colubridae); trên thế giới có khoảng 19 hay 20 loài thuộc giống rắn má Opisthotropis tùy thuộc vào hệ thống phân loại của các nhà nghiên cứu, nhưng ở Việt Nam có 6 loài.
Đây là công trình hợp tác quốc tế giữa TS.Thomas Ziegler - Vườn thú Cologne (Đức), GS. Patrick David - Phòng Hệ thống học động vật và Tiến hóa thuộc Bảo tàng lịch sử và Tự nhiên Paris (Pháp) và ông Vũ Ngọc Thành, Khoa Sinh học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khám phá này là một trong những minh chứng cho thấy tầm quan trọng của Vườn quốc gia Tam Đảo đối với bảo tồn các loài động vật đặc hữu của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế xã hội của địa phương đã đe dọa đến sinh cảnh của loài rắn nói trên.
Tin: Bích Ngân; Ảnh: Vũ Ngọc Thành