Sự thật về thần giao cách cảm

  •   3,25
  • 20.627

Bạn đang làm việc nhà và đột nhiên nghe thấy một tiếng nói bên trong giục bạn gọi điện thoại cho bạn bè của mình. Vào khoảnh khắc bạn nghe thấy lời nói bên trong của anh ta/cô ta đó ở đầu kia của kênh giao tiếp, người đang ‘nói’ với bạn cũng đang nghĩ đến chuyện gọi điện thoại cho bạn. Đó chính là một giản thể của thần giao cách cảm (telepathy), theo dẫn giải của Pravda.

Theo từ điển Bách Khoa Thư Britannica, “thần giao cách cảm là khả năng truyền ý nghĩ không dùng những kênh giác quan thông thường”, là một trong ba khả năng chính của năng lực cảm thụ bên ngoài các giác quan hay còn gọi là ngoại cảm (ESP). Từ ‘Telepathy’ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa đen là ‘trực cảm từ xa’, được sử dụng là thuật ngữ khoa học chính thức từ 1882.

Sự thật về thần giao cách cảm
Những nghiên cứu khoa học về thần giao cách cảm được triển khai từ cuối thế kỷ 19.
Ảnh: Binauralbeatsonline.

Những nghiên cứu khoa học có hệ thống về hiện tượng ngoại cảm, trong đó có thần giao cách cảm, ở phương Tây bắt đầu từ năm 1882, khi nhà nghiên cứu tâm linh người Pháp, Fredric W.H. Meyers sáng lập Hiệp hội Nghiên Cứu Tâm linh (SPR) ở Luân Đôn, Anh, đánh dấu mốc khoa học nghiêm túc cho ngành ngoại cảm.

Trong vô số những thí nghiệm ‘truyền ý nghĩ’, công trình sơ khai nổi tiếng nhất được Tiến sĩ Henry Sidgwick và vợ ông Eleanor Sidgwick tiến hành tại Brighton giữa các năm 1889 và 1891.

Trong thí nghiệm này, những người cảm thụ bị ‘thôi miên’. Trường hợp thứ nhất, họ được yêu cầu tưởng tượng, trên một tấm thẻ trống, một hình ảnh hoặc một bức ảnh được chọn bởi ‘người phát ý nghĩ’. Trường hợp thứ hai, ‘người phát ý nghĩ’ chọn một trong những nhóm thẻ đánh số từ 10 đến 90, và người cảm thụ được yêu cầu ‘đọc to’ những nhóm số mà ‘người phát ý nghĩ’ đã chọn. Tất nhiên người phát ý nghĩ và người cảm thụ chỉ giao tiếp bằng ngoại cảm. Kết quả đúng một cách ngạc nhiên trong hầu hết mọi trường hợp.

Sau Chiến tranh thế giới thứ I, thế giới quan tâm nhiều hơn đến thần giao cách cảm. Lý do là có hàng triệu người mất người thân đã tin theo Chủ nghĩa duy linh (Spritualism). Họ cố gắng bằng mọi cách để có thể giao tiếp được với những người thân yêu đã khuất.

Vào năm 1926, giám đốc Hiệp hội nhân văn Leningrad, Nga giáo sư L.L. Vasyliev đã xuất bản cuốn sách có tựa đề “Những hiện tượng huyền bí về tâm linh con người” đưa ra thuyết thần giao cách cảm liên quan đến từ trường phát ra xung quanh đầu của các nhà ngoại cảm.

Vasyliev khi đó đã không thể xác định được sự dao động điện từ của những sinh vật sống vì thiếu công nghệ siêu nhạy. Tuy nhiên, ngày nay, sự tồn tại của những sóng này đã được khẳng định.

Khi Liên Xô chưa tan rã, chính quyền USSR cũng tỏ ra rất quan tâm đến thần giao cách cảm. Giữa những năm 60 thế kỷ trước, một phòng thí nghiệm bí mật của viện sĩ hàn lâm Joseph Aideiman của Liên Xô đã cố gắng chứng minh khoa học sự tồn tại của ngoại cảm.

Bộ Quốc phòng Nga cũ khi đó đã khởi thảo thành lập một nhóm khoa học nghiên cứu ngoại cảm có tên ‘Tế bào 241’ (cell#241), gồm 12 nhân vật là các nhà toán học, vật lý học, sinh lý học và bác sỹ.

Mỹ cũng tỏ ra rất quan tâm đến lĩnh vực nhỏ của khoa ngoại cảm này. Một thí nghiệm thú vị về thần giao cách cảm đã từng được tiến hành trong chương trình của tàu Apollo 14 năm 1971.

Trong thí nghiệm này, người ta đã chứng minh rằng khoảng cách không là một rào cản đối với năng lực thần giao cách cảm. Tuy nhiên, thí nghiệm không do NASA trực tiếp chủ trì. Thậm chí thông tin về thí nghiệm cũng không được công bố mãi sau khi nhiệm vụ của tàu kết thúc.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia Âu Mỹ đều công nhận ngoại cảm nói chung và thần giao cách cảm nói riêng, qua nhiều chứng cứ thuần khoa học. Mỹ, Anh và Nga là những nước đi đầu thực hiện hàng loạt thí nghiệm ngoại cảm.

Theo VietNamNet
  • 3,25
  • 20.627