Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Ninh Hòa Lê Thanh Hóa xác nhận, nhờ tin báo của chủ có dê nuôi bị bắn trộm, cơ quan chức năng huyện vừa bắt quả tang một vụ vận chuyển voọc chà vá chân đen bị săn trộm trên địa bàn.
|
Voọc chà vá chân đen bị giết hại chiều 16-12-2007 ở rừng Ea Krôngru - Ninh Hòa |
Tang vật thu được, ngoài dê nuôi, có 2 con voọc chà vá chân đen bị bắn chết (1 con khoảng 10kg, 1 con khoảng 4,5 kg). Qua khai thác ban đầu, người vận chuyển khai nhận chở thuê cho chủ hàng không rõ danh tính(?), xuất phát từ rừng Hòn Hèo (thuộc địa bàn xã Ninh Vân). Hạt đang bảo quản lạnh tang vật, với niêm phong của công an huyện, chờ thủ tục giám định. Nại lý do đang điều tra, ông Hóa từ chối cho chụp ảnh tang vật (?!).
Theo nguồn tin phóng viên điều tra từ người dân địa phương, C…là tên của tay săn trộm, ngụ tại thị trấn Ninh Hòa, sử dụng súng bắn đạn ghém (súng phà). Tình hình săn trộm thú rừng quý hiếm nguy cơ tuyệt chủng mấy năm nay vẫn thường xuyên xảy ra ở Hòn Hèo nói riêng và Ninh Hòa nói chung. Trong huyện, ít nhất có 4 tay súng chuyên nghiệp khét tiếng (C không thuộc 4 người này) cùng nhiều điểm thu mua hoạt động khá lộ liễu. Tố cáo với cơ quan chức năng, không thấy bị xử lý, người dân nghi ngờ có bao che.
Được biết, từ năm 2005, tin tức phát hiện voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes - nhóm 1, Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm - ban hành kèm Nghị định 32 của Chính phủ - nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) xuất hiện ở rừng Hòn Hèo được báo chí đăng tải, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức khoa học và bảo vệ môi trường trong và ngoài nước.
Chuyên gia Tilo Nadler, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Hội Động vật học Frankfurt (FZS-CHLB Đức) đã báo cáo FZS và đưa đoàn quay phim Đài truyền hình quốc gia CHLB Đức đến Hòn Hèo ghi hình. Tháng 5-2007, cùng chuyên gia của FZS, Viện Điều tra quy hoạch rừng (FIPI) - Bộ NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đã sơ bộ khảo sát Hòn Hèo, ghi nhận có khoảng 115 cá thể voọc chà vá chân đen. FIPI và FZS đã gửi báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tạo điều kiện cử cán bộ khoa học vào Hòn Hèo khảo sát, nghiên cứu (đề tài cấp Cao học: “Nghiên cứu tập tính, sinh thái của loài vo ọc chà vá chân đen”), làm cơ sở cho công tác bảo tồn.
FZS đã vận động được nhiều cá nhân, tổ chức quốc tế tài trợ việc khảo sát. Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua, Khánh Hòa chưa có văn phản phúc đáp. Vì vậy, chưa giải ngân được cho công tác khảo sát. Giáp Tết Kỷ Sửu, ông Tilo Nadler đã vào Khánh Hòa, trực tiếp làm việc với Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng, đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa việc bảo vệ tài nguyên rừng (trong đó có thú sách đỏ), sớm chấp thuận cho thực hiện đề tài khảo sát, nghiên cứu nói trên.